Hàng đẹp, chất lượng tốt cũng không mua

Ngày 19-9, Sở TT&TT TP.HCM, Hội in TP.HCM tổ chức hội thảo Giải pháp ngành in đang thực hiện để giảm tải ảnh hưởng đến môi trường.

Bà Đỗ Huỳnh Phương Lan, Tổng giám đốc Công ty Minh Phương, kể hiện nay khi tiếp xúc với nhiều khách hàng nước ngoài, đầu tiên họ hỏi DN in Việt Nam có làm theo quy trình không, có những chứng chỉ gì trong ngành in, những chứng chỉ bảo vệ môi trường nào…

Theo bà Lan, nếu DN làm bài bản sẽ tiết kiệm thời gian, khắc phục sự cố sản phẩm và cạnh tranh được về giá. Ngành in đòi hỏi các chứng nhận chất lượng như: G7 Expert, thị trường Mỹ cần GMI, thị trường châu Âu đòi hỏi SA 8.000... Nhiều khách hàng tìm đến nhưng do không có các chứng nhận như yêu cầu, DN nhỏ không đáp ứng được quy trình nên không nhận được đơn đặt hàng.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội in TP.HCM, cho biết khách hàng nước ngoài khi tìm đến DN in Việt Nam, ngoài yêu cầu về trình độ quản lý thông qua các chứng chỉ quốc tế, họ cũng yêu cầu sản phẩm phải “xanh” nghĩa là hàm lượng cồn, plastic, kim loại nặng… không có. Khi đó mới qua cửa kiểm tra sản phẩm. Vậy nhưng đa số DN hiện nay nghĩ mới chỉ nghĩ đến việc làm cho sản phẩm đẹp, chất lượng tốt; bây giờ cần quan tâm việc áp dụng công nghệ để sản phẩm “sạch” và rẻ. 

Ông Tony Tan, chuyên gia kỹ thuật của hãng Bottche (Đức), nhìn nhận các nhà in dùng phương pháp in offset đều phải dùng cồn để pha vào dung dịch làm ẩm. Trong làm ẩm bằng cồn, có nơi dùng cồn Etylic, có nơi dùng cồn Isopropyl Alcohol (IPA)… Dù IPA có một số tính năng ưu việt do có nguồn gốc dầu mỏ nhưng khi in thường tạo ra chất hữu cơ bay hơi gây ô nhiễm môi trường, tác động rất xấu và rất nguy hiểm đến sức khỏe con người…

Các sản phẩm bao bì trong ngành thực phẩm đòi hỏi hàm lượng cồn tồn dư bằng không. Vì cồn độc hại nên việc giảm hàm lượng IPA thậm chí về không là rất cấp thiết.

“Tuy nhiên, để in giảm cồn hay in không cồn đòi hỏi cả hệ thống phải vào cuộc chứ không đơn giản thay thế bằng một dung dịch phụ gia phù hợp”, ông Tony Tan nói.

Khách tham quan sản phẩm tại triển lãm ngành in TP.HCM năm 2019

Mặt khác, ông Tuấn lưu ý nếu DN in Việt Nam không có được chứng nhận xử lý nước thải đạt chuẩn, DN nước ngoài sẽ không bao giờ đặt hàng. Vì họ lo ngại vô tình tiếp tay cho DN Việt vi phạm môi trường.

Ở góc độ nhà tư vấn giải pháp, đại diện Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA (Hà Nội) cho biết tất cả DN khi vận hành nhà máy in phải tuân theo quy định là có khu vực xử lý nước thải, dù DN áp dụng nhưng khi ra môi trường thì không đạt. Nguyên nhân là do áp lực cạnh tranh, để giảm chi phí có khi DN phải cắt đi một vài khâu trong quá trình vận hành. Điều này khiến cho toàn bộ hệ thống vận hành xử lý nước thải không hiệu quả nữa...

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các sở ban ngành liên quan tham mưu UBND thành phố, báo cáo Bộ TT&TT đề nghị xem xét quyết định ban hành một quy định chính sách mới với ngành in trong giai đoạn hiện nay. Với sự điều chỉnh chính sách cũng đòi hỏi DN in phải chấp nhận đầu tư đổi mới công nghệ.

“Đề nghị Hội in tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của DN gửi trước 15-10-2019 để Sở trao đổi với các sở ngành liên quan, thống nhất trình UBND có những điều chỉnh phù hợp để ngành in giảm thải ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững”, ông Lương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm