Hàng không và du lịch cần bắt tay dịp cao điểm hè

(PLO)- Để kích thích nhu cầu du lịch, ngành hàng không và du lịch cần bắt tay nhau để xây dựng giá vé - tour phù hợp túi tiền người tiêu dùng. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm mùa hè, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục hàng không Việt Nam tăng cường kiểm về hoạt động bán vé, kê khai và niêm yết giá vé của các hãng hàng không.

Tuy nhiên, để du khách ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn thì việc liên kết hiệu quả giữa hàng không và du lịch cần phải làm ngay từ bây giờ, qua đó hai ngành cùng tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch.

Giảm giá vé hài hòa lợi ích

Bộ GTVT cho rằng trường hợp cần thiết, đề xuất cơ quan thanh tra chuyên ngành về giá tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật.

Theo đó, Cục Hàng không chủ trì làm việc với các hãng hàng không Việt Nam để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng tải cung ứng cho các đường bay nội địa trước mắt và lâu dài; tạo điều kiện tối đa cho các hãng bổ sung thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn cao điểm hè và chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm.

Cục Hàng không khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá vé máy bay nội địa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hành khách.

Đặc biệt, Bộ yêu cầu Cục hàng không với Cục Du lịch quốc gia, các địa phương, các hãng hàng không và các công ty lữ hành nghiên cứu, triển khai các sản phẩm du lịch theo gói (combo), qua đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng dịch vụ, giảm chi phí.

Cục hàng không đề xuất các giải pháp mở thêm các đường bay quốc tế, nội địa mới đi, đến cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và rà soát, điều chỉnh giờ cất hạ cánh cho các chuyến bay phù hợp với tập quán sinh hoạt địa phương…

Cục hàng không Việt Nam được Bộ yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định. Thông tin về cơ cấu các khoản thu trong giá vé phải đầy đủ, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho hành khách.

Hãng bay thực hiện dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá trên đường bay nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.

“Các hãng chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị về du lịch và địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu chương trình, điểm đến và sản phẩm du lịch... nhằm thúc đẩy du lịch, giảm giá vé”– Bộ GTVT nêu rõ.

Để du lịch phát triển đã đến lúc các hãng hàng không và công ty lữ hành cần hợp tác chặt chẽ và phối hợp ăn ý hơn nữa thì mới đem lại lợi ích chung cũng như sự phát triển bền vững của cả hai bên.

Hàng không và du lịch cần phối hợp ăn ý

Theo công ty du lịch, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Đại diện một công ty lữ hành cho biết, giá vé máy bay tăng cao trong thời gian thay vì khách chủ động mua vé sớm thì khách sẽ chờ kiểu "cầu may" đến giờ chót với hy vọng vé máy bay hạ nhiệt. Nhiều công ty lâm vào thế bị động, các hãng lữ hành và đại lý vé máy bay buộc phải cân nhắc việc "ôm" một lượng vé từ sớm.

Hàng không và du lịch cần gắn kết chặt chẽ để thu hút khách. Ảnh: TT.
Hàng không và du lịch cần gắn kết chặt chẽ để thu hút khách. Ảnh: TT.

Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho biết, các chi phí đầu vào như vé máy bay, dịch vụ …tăng giá và nhất là khi vé máy bay chiếm tỉ trọng khá lớn khiến giá tour tăng cao hơn. Công ty cũng xác định bằng mọi cách nỗ lực giữ giá ổn định nhất để phục vụ nhu cầu đông của du khách, ngay cả khi hạ thấp lợi nhuận tối đa.

“Việc các chi phí khách quan tăng dẫn đến các dịch vụ tăng theo là vấn đề khá khó khăn. Tôi rất mong giá thành các đầu vào ổn định, các hãng có kế hoạch bay, tăng cường chuyến…Công ty hoạt động lĩnh vực du lịch có các thông tin giá đầu vào sớm hoặc có một cơ chế giá mua sớm… để hài hòa lợi ích của hãng hàng không, công ty du lịch và khách hàng”. – bà Phương Anh đề xuất.

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn ĐBSCL nhìn nhận không thể phủ nhận vai trò của hàng không trong việc thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam. Du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch. Vì vậy, việc mối liên kết hàng không và du lịch rời rạc sẽ khiến cho bất kì sự thay đổi nào của hai bên cũng đều gây tác động bất lợi đến phía còn lại, đồng thời, ảnh hưởng đến tâm lý và sức mua tour của người dân.

Ông Huê dẫn chứng thêm, hiện nay Thái Lan và nhiều nước hiện nay hầu như chỉ bán tour huề vốn hoặc thậm chí thấp hơn giá thành. Ngược lại, người Thái tập trung tạo ra các dịch vụ và sản phẩm giải trí và đó chính là điểm để bán hàng, thu được lợi nhuận từ du khách. Ở nước ta, giá tour bán cao do nhiều nguyên nhân nhưng một số ngành dịch vụ liên quan nên không khai thác được tiềm năng từ số khách quốc tế vào du lịch.

Các sản phẩm trong nước có thể tăng năng lực cạnh tranh với tour nước ngoài nếu duy trì được mức tăng ổn định trong mùa lễ, tết, tránh tạo nên “combo tăng giá” đồng loạt từ giá vé máy bay, khách sạn, nhà hàng…sẽ tác động mạnh đến giá tour, dẫn đến việc giảm sức cạnh tranh là tất yếu.

Các chuyên gia hàng không cho rằng với đội bay các hãng đang thiếu hụt khoảng 30%, so với trước đây đã tác động lớn đến giá vé máy bay, đó là cầu cao hơn cung. Bên cạnh đó, số lượng các hãng cạnh tranh không còn nóng như trước đây, hiện chỉ còn hai hãng khai thác chủ đạo là Vietjet và Vietnam Airlines, các hãng còn lại thị phần khiêm tốn.

Do vậy, vấn đề tiên quyết là hàng không và du lịch cần hài hòa lợi ích, bắt tay thực sự để tính tổng thể trong cấu thành chi phí, đảm bảo hàng không và du lịch đều thắng. "Đành rằng chi phí nhiên liệu, tỉ giá và giá thuê máy bay tăng gấp đôi đã tác động lớn đến xây dựng giá vé, nhưng du lịch và hàng không cùng có công thức tính vẫn mang lại lợi ích cho các bên", vị chuyên gia chia sẻ.

Trước phản ánh của dư luận, sự vào cuộc các bộ ngành, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công thương đề nghị các hãng hàng không cung cấp thông tin, tài liệu về giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa từ đầu năm 2024 đến nay.

Cơ quan này đã đề nghị các hãng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về giá và các đợt điều chỉnh giá vé máy bay các chặng bay nội địa ở tất cả hạng vé, loại vé; số lượng, doanh thu bán vé máy; công thức tính vé bay chặng nội địa tất cả hạng vé, loại vé của hãng bay.

Cùng đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đề nghị hãng bay thông tin công thức tính giá vé máy bay chặng nội địa, hạng vé; chi phí và sự biến động chi phí của các yếu tố cấu thành giá vé và giải trình lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay, kèm tài liệu chứng minh. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đề nghị hãng bay cung cấp thông tin trước ngày 6-6-2024. PHONG ĐIỀN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm