Hàng loạt phát hiện quan trọng từ việc Omicron lây với 'tốc độ ánh sáng'

Một ngày cuối tháng 11-2021, hơn 110 người tụ tập tại một bữa tiệc Giáng sinh đông đúc ở một nhà hàng ở thủ đô Oslo (NaUy). Hầu hết đã được tiêm phòng đầy đủ. Trong số này có một người trở về từ Nam Phi vài ngày trước và vô tình mang theo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Hậu quả, khoảng 70% người tham gia bữa tiệc bị lây nhiễm.

Các nhà khoa học theo dõi sự kiện siêu lây nhiễm này kết luận rằng đây là bằng chứng cho thấy Omicron “có khả năng lây lan cao” ở người đã được tiêm phòng đầy đủ.

Cố gắng xác định vì sao Omicron có thể lây với “tốc độ ánh sáng”

Chỉ hơn một tháng sau, sự lây lan với tốc độ quá nhanh của Omicron trên toàn thế giới cho thấy rõ ràng rằng bữa tiệc ở NaUy không phải là một ví dụ cá biệt. Ở các nước, Omicron đã cho thấy sự vượt trội trong lây lan so với phiên bản tiền nhiệm – biến thể Delta, với trung bình một ca nhiễm Omicron lây ra ít nhất 3 ca nhiễm mới khác.

Số ca nhiễm tăng cao kỷ lục ở nhiều khu vực, dễ thấy nhất là châu Âu, và bây giờ là Mỹ - nơi ghi nhận tới khoảng nửa triệu ca nhiễm mới trong một ngày.

Người dân TP New York (Mỹ) được xét nghiệm COVID-19, tháng 12-2021. New York – từng là tâm dịch của Mỹ hiện lại chứng kiến làn sóng dịch nặng với biến thể Omicron. Ảnh: GETTY IMAGES

GS Sumit Chanda tại Khoa Miễn dịch và Vi sinh tại Viện Y sinh độc lập và phi lợi nhuận Scripps Research (Mỹ) đánh giá đây là loại biến thể “có khả năng thay đổi cuộc chơi, đặc biệt là trong nhóm người được tiêm chủng”.

Lời GS Chanda có cơ sở. Trong khi các biến thể khác đang gặp khó khăn với sức mạnh miễn dịch có được từ việc tiêm chủng và bị nhiễm bệnh thì Omicron lại đang phát triển mạnh.

“Điều này thay đổi sự tính toán với tất cả mọi người” – theo GS Chanda.

Và vì vậy các nhà khoa học đang cố gắng giải mã: Điều gì giải thích cho sự lan truyền nhanh như chớp của Omicron?

Mặc dù vẫn còn sớm, nhưng các nhà khoa học đang bắt đầu kết nối mọi dữ liệu lại với nhau để tìm hiểu lý do tại sao biến thể Omicron lại dễ lây lan như vậy. Và liệu kết quả có nghĩa các giả định cũ về cách giữ an toàn cần phải được điều chỉnh hay không.

Cơ thể người chống đỡ Omicron kém hơn chống đỡ các biến thể khác

Cho đến nay, thủ thuật hay nhất của Omicron - điều giúp giải thích sự thành công lây nhiễm của nó hơn bất kỳ biến thể nào khác - là né tránh khả năng miễn dịch của con người (tức các kháng thể và các biện pháp bảo vệ miễn dịch khác được cung cấp cho cơ thể sau khi tiêm phòng và/hoặc bị nhiễm trước đó).

Trên thực tế, Omicron đã và đang lây lan với tốc độ có thể so sánh với tốc độ lây lan của dòng virus ban đầu xuất hiện vào đầu đại dịch, bất chấp hiện tại con người đã được trang bị miễn dịch.

Một nghiên cứu mới từ Đan Mạch cho thấy rằng phần lớn sự thống trị của biến thể Omicron phụ thuộc vào khả năng né tránh hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh sự lây lan của Omicron và của Delta giữa các thành viên trong cùng một hộ gia đình và kết luận rằng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 2,7 đến 3,7 lần so với Delta giữa các cá nhân được tiêm 2 mũi vaccine và cả đã được tiêm tăng cường.

Hàn Quốc vừa ghi nhận 2 ca tử vong vì Omicron. Seoul trong thời điểm giới nghiêm sau 9 giờ tối, ngày 20-12-2021. Ảnh: REUTERS

Việc Omicron có nhiều đột biến trên protein đột biến cho phép nó lây nhiễm sang các tế bào của con người hiệu quả hơn các biến thể trước đó. Điều này khiến khả năng chống đỡ Omicron của nhiều người kém hơn so với chống đỡ các biến thể khác.

Do đó, chỉ riêng việc "né tránh hệ thống miễn dịch" đã có thể là lý do chính lý giải tại sao biến thể Omicron dễ lây lan hơn so với biến thể Delta vốn đã rất dễ lây truyền.

Vì thế, TS Joshua Schiffer, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) cho rằng “sân chơi cho virus hiện nay đã khá khác so với những ngày đầu, phần lớn các biến thể mà chúng ta thấy cho đến nay không thể tồn tại trong môi trường miễn dịch". Ngay cả biến thể Delta về cơ bản đã ở mức “hòa”, vẫn tồn tại nhưng “không phát triển quá nhanh hay giảm quá nhanh”.

Với người chưa tiêm chủng: Omicron và Delta cùng mức độ lây nhiễm

Tuy nhiên có điều thú vị là, đối với những người chưa được tiêm chủng, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ bị lây nhiễm giữa Delta và Omicron. Điều đó cho thấy rằng cả hai biến thể đều có cùng mức độ lây truyền giữa những người chưa được tiêm chủng. Nói cách khác, trong những trường hợp đó, Omicron không nhất thiết có độ lây lan cao hơn Delta.

Nếu được xác nhận, phát hiện này sẽ củng cố ý tưởng rằng khả năng lây lan cao của Omicron có thể nhờ vào "khả năng né tránh miễn dịch" của nó - chứ không phải các đặc điểm khác giúp biến thể này có khả năng lây lan cao hơn, các tác giả nghiên cứu kết luận.

Đây cũng là điều được gợi ý từ một nghiên cứu nhỏ từ ĐH Maryland (Mỹ), mặc dù những phát hiện ở nghiên cứu này mới chỉ là sơ bộ và chưa được xem xét kỹ.

Các nhà nghiên cứu đã đo lường mức độ virus mà những người đã được tiêm chủng bị nhiễm Omicron giải phóng vào không khí sau khi họ hò hét và hát. Bốn trong số năm người đã thở ra một lượng lớn virus vào không khí - có thể so sánh với lượng virus mà những người không được tiêm chủng trước đó bị nhiễm và thải vào không khí.

“Tuy nhiên điều đáng chú ý là tôi đã mong đợi thấy số lượng (virus được thải ra không khí) cao hơn nhiều, nhưng không phải vậy” - TS Don Milton, một nhà khí học bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng ĐH Maryland, người đứng đầu cuộc nghiên cứu đánh giá.

Các phát hiện cho thấy sự lây lan của Omicron một phần có thể phụ thuộc vào thực tế là nhiều người đã được tiêm chủng bị lây nhiễm và phát tán virus, chứ không nhất thiết là các cá nhân bị nhiễm Omicron phát tán lượng virus nhiều hơn vào không khí (so với khi nhiễm các biến thể khác). Và nếu kết quả đúng, theo TS Milton, khả năng chúng ta không phải lo lắng rằng Omicron khả năng lan truyền qua khoảng cách xa cao hơn và xa hơn khả năng lan xa của những biến thể dễ lây lan khác mà chúng ta đã chứng kiến, như Delta.

“Ví dụ với bệnh sởi, sức mạnh của nguồn lây rất mạnh đến mức ngay cả người ở phòng bên cạnh vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh”, tuy nhiên “bạn sẽ không thấy nhiều điều đó với virus này” bởi vì nó bị loãng đi khi đến phòng bên cạnh, theo TS Milton.

Song, với Omicron, "tin xấu là đã được tiêm chủng không có nghĩa là sẽ không lây truyền nó cho nhau”, TS Milton nhận định.

TS Milton cho biết những phát hiện này chỉ giới hạn ở những người đã được tiêm chủng, và theo ông hoàn toàn có khả năng lượng virus phát ra từ người chưa được tiêm chủng mà nhiễm biến thể Omircon "còn dữ dội hơn rất nhiều”.

Người nhiễm Omicron có khả năng lây cho người khác rất nhanh, hơn Delta nhiều

Với rất nhiều đột biến, vẫn có khả năng Omicron có thêm những lợi thế khiến nó dễ lây lan hơn các biến thể khác – chứ không chỉ dựa vào khả năng đột phá sức miễn dịch của chúng ta.

Có thể Omicron có khả năng tạo ra nhiều bản sao của chính nó hơn trong một tế bào? Hoặc có thể Omicron dính vào các tế bào hiệu quả hơn? Hoặc có thể Omicron treo lơ lửng trong không khí để lây nhiễm tốt hơn các biến thể trước?

Theo TS Schiffer của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, “bất kỳ điều gì trong số khả năng trên cũng sẽ giúp cho virus dễ lây lan hơn”.

Người dân Pakistan được tiêm vaccine COVID-19 ở TP Karachi ngày 16-12-2021. Ảnh: REUTERS

Lưu ý là một điểm khác biệt chính của Omicron là người bị nhiễm biến thể này rất nhanh chóng có khả năng lây cho người khác.

Omicron dường như có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và về cơ bản có thể làm tăng tốc độ lây nhiễm trên toàn bộ quần thể. Một nghiên cứu về sự bùng phát của bữa tiệc Giáng sinh ở Oslo cho thấy thời gian ủ bệnh có thể là khoảng 3 ngày, so với 4,3 ngày đối với biến thể Delta và 5 ngày đối với các biến thể khác. Một nghiên cứu nhỏ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đánh giá rằng thời gian ủ bệnh vào khoảng 3 ngày.

“Đây thực sự là một sự khác biệt lớn. Điều này có nghĩa là có nhiều chu kỳ lây nhiễm hơn, và người bị nhiễm ít thời gian hơn để đề phòng không để người khác tiếp xúc để tránh lây nhiễm cho họ” – theo TS Schiffer.

Một nghiên cứu vào giữa tháng 12 từ Hong Kong cũng đã khiến các nhà khoa học cân nhắc rằng Omicron thực sự có thể tái tạo tốt hơn trong một số tế bào nhất định và do đó có lợi thế hơn so với Delta, ít nhất là trong bộ phận những người chưa được tiêm chủng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Omicron nhân lên nhanh hơn khoảng 70 lần so với Delta trong các mẫu mô từ phế quản - đường dẫn khí lớn dẫn từ khí quản đến phổi. Trong khi đó, Omicron gặp nhiều khó khăn khi lây nhiễm vào các tế bào trong mô phổi hơn so với phiên bản gốc của virus lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán (Trung Quốc).

Omicron có thể chỉ cần liều lượng nhỏ hơn các biến thể trước để lây nhiễm

GS Linsey Marr tại ĐH Virginia Tech (Mỹ), chuyên nghiên cứu cách thức virus truyền trong không khí, cho rằng nếu Omicron lây lan dễ dàng hơn trong không khí, thì khả năng sao chép nhanh hơn trong phế quản sẽ là một trong hai cách giải thích. Theo bà, “những người bị nhiễm giải phóng nhiều hạt vius hơn vào không khí hoặc bạn có thể hít phải ít hạt hơn nhưng vẫn bị nhiễm - hoặc kết hợp từ hai khả năng”.

Đã xảy ra một câu chuyện cảnh báo về Omicron phát tán trong không khí từ một cơ sở cách ly ở Hong Kong. Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 12, các nhà khoa học Hong Kong mô tả cách một khách du lịch đang bị cách ly tại một khách sạn lây nhiễm cho một người ở bên kia hành lang dù chưa bao giờ thực sự tiếp xúc trực tiếp. Các tác giả kết luận: “Sự lây truyền trong không khí qua hành lang” là lời giải thích khả dĩ nhất.

Theo TS Michael Klompas, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học bệnh viện tại bệnh viện Brigham and Women (Mỹ), “điều đó cho thấy một lượng rất nhỏ virus có thể khiến người khác bị nhiễm”, “Omicron có thể chỉ cần một liều lượng nhỏ hơn so với các biến thể trước đó để lây nhiễm sang người, mặc dù vẫn chưa có dữ liệu để xác định liệu điều đó có đúng hay không”.

Đừng chủ quan vì đã có vaccine

Khi nói đến việc giảm thiểu rủi ro cho các cá nhân, vẫn là các nguyên tắc tương tự: đeo khẩu trang chất lượng cao, chọn hoạt động ngoài trời nếu có thể, và tránh tụ tập đông với người không đeo khẩu trang, đặc biệt nếu họ chưa tiêm phòng.

Theo TS Rasmussen, “nên cố gắng áp dụng càng nhiều càng tốt những biện pháp giảm thiểu rủi ro mang tính phụ thêm này”.

Còn GS Chanda thì nhận định, với Omicron, ngay cả những tương tác trực diện thoáng qua cũng có vẻ rủi ro hơn, một phần vì mọi người chủ quan rằng mình đã có vaccine bảo vệ.

“Nếu bạn bước vào một căn phòng đầy người và một người nào đó bị nhiễm bệnh, thì khả năng bạn lây nhiễm sẽ tăng lên đáng kể, cho dù bạn đã được tiêm phòng hay tiêm tăng cường chưa” – theo ông.

Bất chấp vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về lý do tại sao Omicron lại dễ lây lan như vậy, các nhà khoa học cho rằng một điều quan trọng là phải nhận ra rằng virus SARS-CoV-2 chưa biến thành một loại virus hoàn toàn mới.

Vẫn nên thận trọng với độc lực của Omicron

Cuối tháng 12-2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra lưu ý thận trọng về kết quả nghiên cứu ban đầu cho rằng biến thể Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng hơn so với các biến thể trước của virus SARS-CoV-2. Theo WHO, hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu về cách biến thể Omicron ảnh hưởng đến những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương.

Đây là một số lý do WHO đề nghị thận trọng:

Dữ liệu từ Nam Phi cho thấy Omicron không gây bệnh nặng, nhưng cũng cần lưu ý là dân số Nam Phi đa phần trẻ. Vì thế, chưa thể xác định được Omicron tác động thế nào đến bộ phận dân số già, theo TS Abdi Mahamud, người quản lý sự cố của WHO về COVID-19.

Ông cho rằng đừng nên "diễn giải quá mức" dữ liệu của Nam Phi, và thế giới vẫn cần thêm thông tin về cách Omicron ảnh hưởng đến người trên 60 tuổi, người có bệnh lý tiềm ẩn làm suy giảm phản ứng miễn dịch, và người chưa được tiêm chủng.

Ngoài ra, theo TS Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của WHO, một số lượng lớn người Nam Phi đã mang kháng thể do nhiễm COVID-19 trước đó. Điều đó có thể làm xáo trộn những nỗ lực xác định liệu Omicron ít khả năng gây bệnh nặng hơn các biến thể trước của virus SARS-CoV-2 hay không.

Dữ liệu từ châu Âu cũng không giúp giải thích chính xác. Omicron chủ yếu lây nhóm người trẻ, chưa xâm nhập sâu vào nhóm người trên 60 tuổi. Hơn nữa, nhiều nước châu Âu có tỉ lệ tiêm chủng rất cao, khó có thể xác định liệu khi nhiễm tăng mà số ca nhập viện không tăng là do Omicron độc lực yếu hơn hay nhờ sự bảo vệ của vaccine.

“Tôi hơi lo lắng khi đưa ra những dự đoán tích cực cho đến khi chúng ta thấy được vaccine bảo vệ tốt thế nào ở những nhóm dân số già hơn và dễ bị tổn thương hơn” – TS Ryan đánh giá thận trọng.

Tại Mỹ, TS Anthony Fauci - cố vấn y tế của Nhà Trắng cũng thận trọng rằng nhân khẩu học của Mỹ khác với Nam Phi và không rõ chính xác tác động của Omicron sẽ gây ra.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm