Hơn hai tháng nay, người dân tập trung về vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh, huyện Sông Hinh, Phú Yên để đào đá đen.
Mặc dù không biết loại đá này dùng vào việc gì nhưng với giá bán lên đến cả triệu đồng/kg đã khiến cho hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây đào xới tìm đá. Ảnh: Nhân Dân Online
Theo hướng dẫn của người dân địa phương, PV Vietnamplus vượt qua những con đường đá ngoằn ngoèo để đến vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh.
Tại khu vực xã Ea Trol, từng tốp người rất đông mang theo những dụng cụ như cuốc, xẻng, xà beng vào lòng hồ để đào đá đen. Ở đây có thanh niên, người già, phụ nữ, có khi cả gia đình cùng đi tìm đá.
Từng tốp người chia nhau, tự tìm cho mình một khoảnh đất để tìm đá. Theo những người đào đá, khu vực nào thấy có lớp đất trắng, cứ tiếp tục đào xuống thì chắc có đá đen. Tuy nhiên có nhiều hay ít, đá to hay nhỏ thì không biết.
Nhiều chỗ đá đen được tìm thấy chỉ sau vài lớp đất. Có những chỗ đá nằm sâu dưới lòng đất nên phải đào sâu tạo hàm ếch lút cả đầu người.
Gia đình nhà ông Dương Nho Hùng, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh có ba người đi đào đá. Miệt mài đào trong hơn hai tiếng đồng hồ, cả nhà mới tìm được vài cục đá đen nhỏ.
Ông Hùng cho biết cả nhà đã đi đào đá đen được một tháng nay. Thấy đá đen có thể cho thu nhập cả triệu đồng/ngày nên có hàng ngàn người từ huyện Sông Hinh cho đến huyện Sơn Hòa, Tây Hòa (cũng ở tỉnh Phú Yên) lên khu vực này đào đá. "Tìm đá đen cũng như tìm vàng ấy. May rủi là nhiều. Việc đào đá này chắc làm được khoảng một tháng nữa vì sắp đến mùa mưa, lòng hồ này sẽ ngập nước".
Những viên đá đen được khai thác nằm sâu dưới lòng đất. Ảnh: THẾ LẬP/TTXVN
Cách khoảnh đất gia đình nhà ông Dương Nho Hùng đang đào đá khoảng 500 m, việc tìm đá nhộn nhịp hơn. Ở đây người ta dựng cả lán trại để nghỉ ngơi, ăn cơm. Có cả những phụ nữ dùng xe máy chạy đến tận nơi bán nước lạnh cho người đào đá giải khát.
Trong một hố sâu lút đầu người, một phụ nữ ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh (người này xin giấu tên) dùng xà beng để đào đá.
Chị cho biết ở đây có những người may mắn đào được cả tấn đá cũng có. Có người chỉ mới đào được 1 kg. Về phần mình, có ngày chị đã đào được 29 kg đá đen. Đá được làm gì thì không biết. Thấy người trong buôn đi đào, chị cũng đi.
Giá bán đá loại 1 (ba viên/kg) có giá lên đến 3 triệu đồng/kg, đá loại 2 (8-10 viên/kg) có giá 1 triệu đồng, đá loại 3 (đá xô, chủ yếu là loại nhỏ) giá 400.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay nhiều người đào đá quá nên giá đá xô giảm xuống còn khoảng 340.000 đồng/kg. Thương lái đến tận nơi đào đá để thu mua.
Giá bán đá lên đến cả triệu đồng/kg đã khiến cho lượng người đổ về đào đá ngày một đông. Cả một vùng bán ngập lòng hồ thủy điện rộng lớn bị xới tung. Có chỗ để lại những hố sâu ngập nước.
Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Tình trạng đào và thu mua đá đen đã có trước đây. Tuy nhiên, phạm vi và mức độ nhỏ hơn. Hiện nay việc đào đá đen ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh thuộc địa phận ba xã là Đức Bình Đông, Ea Trol và Sông Hinh. Người dân đào đá theo kiểu “da báo” chứ không phải tập trung vào một điểm.
UBND huyện Sông Hinh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu rõ việc mua bán và mục đích sử dụng loại đá này để có hướng quản lý vì đây cũng là một loại khoáng sản.
Qua kiểm tra thực tế, UBND huyện Sông Hinh đã yêu cầu các địa phương vận động người dân không tiếp tục đào tìm đá đen. Việc tập trung đông người để đào đá dễ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến xấu, huyện sẽ có phương án truy quét toàn bộ.