Đó là nỗi khổ mà người dân KP 5, phường Hố Nai, TP Biên Hòa (Đồng Nai) phải gánh chịu từ nhiều năm qua. Khu vực này là vùng đồi cao và mỗi năm đến mùa khô (bắt đầu từ khoảng tháng 1 đến tháng 4), tất cả giếng đào, giếng khoan đều cạn nước. Để có nước sử dụng, người dân buộc phải mua nước từ nơi khác chở đến với giá cao.
Gia đình anh Vũ Văn Vọng có bốn người. Dù cố gắng tiện tặn nhưng mỗi tháng anh vẫn phải chi khoảng 900.000 đồng để mua 15 m3 nước. Nhà ông Nguyễn Văn Lộc có 11 người, trung bình mỗi tháng ông phải bỏ ra 3,6 triệu đồng để mua nước sử dụng… Cũng có một số hộ dân đào giếng nhưng nước giếng chủ yếu dùng để giặt giũ, tắm rửa chứ không thể nấu ăn vì bị nhiễm phèn nặng.
Năm 2010, người dân KP 5 đã đến Công ty TNHH một thành viên Xây dựng cấp nước Đồng Nai hỏi thủ tục sử dụng nước máy thì được trả lời phải có hơn 100 đơn xin thì công ty mới làm. Sau đó, bà con đã thu thập được hơn 100 đơn như yêu cầu nhưng công ty yêu cầu mỗi hộ dân phải đóng hơn 4 triệu đồng. Nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đành bỏ cuộc...
Vào mùa khô, các giếng đều khô ráo nước nên người dân buộc phải đi mua nước với giá cao. Ảnh: TN
Tương tự, người dân KP 2, 3, 4 phường Trảng Dài, TP Biên Hòa cũng rơi vào tình trạng không có nước máy từ nhiều năm nay. “Những năm trước khi nghe tin sẽ có nước máy kéo về, bà con rất phấn khởi và ngóng chờ. Vậy mà đến nay vẫn chưa thấy đâu” - một người dân KP 3 than phiền.
Ông Phạm Thiện Minh, Chủ tịch UBND phường Hố Nai, cho biết phường đã nhận được phản ánh của người dân và đã chỉ đạo trưởng khu phố đến làm việc trực tiếp với Công ty TNHH một thành viên Xây dựng cấp nước Đồng Nai. Sau đó, phường tiếp tục viết giấy giới thiệu cho đại diện người dân nơi đây đến lần nữa nhưng sự việc như thế nào thì không thấy nói lại…
Ông Lâm Tấn Khải, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài, cũng cho biết: “Phường đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên cấp thành phố và tỉnh. Phía công ty trả lời đang tiến hành thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công… Mới đây, một lãnh đạo của công ty lại nói chờ đến tháng 6 sẽ có nước. Chúng tôi rất khó giải thích với người dân khi vụ việc bị kéo dài như vậy”.
Trao đổi với PV, bà Mai Ngọc Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây dựng cấp nước Đồng Nai, giải thích: “Vốn ngân sách Nhà nước chỉ dành để kéo ống nước lớn ở những trục đường chính, còn ống nước rẽ vào các đường nhánh nhỏ trong khu dân cư thì người dân cùng bỏ tiền ra; đường ống từ bên ngoài kéo vào từng hộ cũng được miễn phí đấu nối. Trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp nước cho bà con và mong muốn người dân có nước sạch để dùng. Cho nên người dân cần trực tiếp trao đổi lần nữa với công ty để có phương án xử lý”.
Cũng theo bà Thu, phường Trảng Dài là địa phương được ngân sách Nhà nước rót vốn để thực hiện dự án cung cấp nước sạch. Trước đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức vốn hơn 47 tỉ đồng. Nhưng sau đó do giá cả vật tư tăng nên công ty đã xin điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư là hơn 56 tỉ đồng và đã trình lên tỉnh. “Chúng tôi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ; nếu tỉnh sớm ra quyết định phê duyệt và cấp vốn trong năm nay thì chúng tôi sẽ tiến hành thi công rất nhanh” - bà Thu khẳng định.
Cùng làm thì chi phí sẽ thấp Sau khi đi khảo sát địa bàn KP 5, phường Hố Nai, công ty nhận thấy nếu tất cả người dân ở đây cùng đồng ý đóng tiền để có đường nước máy đến tận nhà thì chi phí sẽ rất thấp. Trường hợp người dân chỉ đóng theo nhóm thì chi phí sẽ cao hơn. Một nhân viên Công ty TNHH một thành viên Xây dựng cấp nước Đồng Nai |
THÀNH NHÂN