Tại Việt Nam, trong khoảng ba năm trở lại đây, mật hoa quả bắt đầu được biết đến và xuất hiện nhiều trong bữa ăn của các gia đình nhờ những giá trị sức khỏe mà sản phẩm này mang lại. Mật hoa quả là loại thực phẩm có lượng đường thấp, chứa nhiều chất khoáng, vitamin tốt cho sức khỏe.
Tỉ lệ người sử dụng mật hoa quả rất lớn
Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), tự tin cho biết ba năm qua tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) đối với các sản phẩm mật hoa dừa luôn đạt 200%. Tuy chưa có ước tính cụ thể về quy mô của ngành mật hoa quả song tiềm năng thấy rõ khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sức khỏe.
Người nông dân thu hoạch mật hoa dừa. Ảnh: THU HÀ |
“Hiện nay có hơn 3,5 triệu người Việt mắc đái tháo đường, ước tính lên tới 6,3 triệu người trong năm 2045. Cùng với đó, xu hướng ăn chay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là vô cùng lớn với khoảng 17% dân số thế giới ăn chay. Đặc biệt, nhóm người tiêu dùng sử dụng thực phẩm xanh, hữu cơ đang dần trở nên đông đảo. Chỉ tính riêng ba yếu tố trên thì tỉ lệ người sử dụng mật dừa hay mật hoa quả tự nhiên là vô cùng lớn. Từ năm 2013, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã báo cáo đường hoa dừa là chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới. Tôi khẳng định ngành mật hoa dừa chắc chắn sẽ rộng đường phát triển” - ông Ngãi tự tin nói.
Theo đuổi việc sản xuất mật hoa dừa hơn ba năm qua, ông Ngãi và các cộng sự của mình đã hợp tác thu mua mật dừa của nhiều nông dân với diện tích khoảng 25 ha, giúp họ tăng thu nhập 3-5 lần so với bán trái.
Song song với việc thu mật hoa dừa, bà Thạch Thị Chal Thi - đồng sáng lập Sokfarm cho biết công ty cũng tạo thêm nhiều sản phẩm khác, nâng cao giá trị thành phần của dừa như nước uống mật hoa dừa, đường hoa dừa, hạt ca cao và mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, giấm mật hoa dừa.
Theo bà Thi, từ tháng 4 Sokfarm đã ra mắt thêm dòng sản phẩm mật hoa dừa cô đặc, tiện dụng khi mang đi, được thị trường Mỹ, Nhật và EU rất ưa chuộng. Trong sáu dòng sản phẩm chủ yếu thì năng suất mật hoa dừa cô đặc khoảng 5-6 tấn/tháng; đường 1-2 tấn/tháng; hạt ca cao sấy mật hoa dừa, mứt khóm mật hoa dừa 500 kg đến 1 tấn/tháng; nước dừa tươi đóng chai 50.000-60.000 chai/tháng.
Tự chuẩn hóa để chinh phục quốc tế
Là DN đầu tiên thương mại hóa được mật dừa ra thị trường quốc tế,ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Sokfarm, cho biết cần có sự chuẩn hóa từ nguyên liệu cho tới dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, cần các giấy thông hành trong và ngoài nước như Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập, ISO 22000:2018, HACCP hay các giấy chứng nhận hữu cơ của USDA organic (Mỹ), VN-BIO-149 (EU), JAS (Nhật Bản)…
“Để xuất khẩu thành công chính ngạch vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải vượt qua hơn 300 chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm, hơn 100 lần chỉnh sửa bao bì, chưa kể công đoạn soạn thảo hồ sơ kỹ lưỡng để thuyết phục cơ quan quản lý Nhật. Từ đó đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Rakuten, một trong hai sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Nhật, để gia tăng năng lực cạnh tranh và rộng mở hơn trên con đường xuất ngoại” - ông Ngãi chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh muốn kiếm được nguồn thu ngoại tệ phải tự nâng cấp và chuẩn hóa DN trong mọi công đoạn.
Tương tự, An Hòa Farm cũng đang viết tiếp sự phát triển của mật hoa quả khi làm ra dòng mật chuối Tabai và được thị trường đón nhận. Được truyền lại công thức làm nước chuối lên men từ một nhà máy sản xuất của Nhật Bản, cùng với việc chứng kiến người đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị ép giá chuối rẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cùng gia đình bắt đầu thu mua chuối với giá tốt để về ủ thành mật.
Qua nhiều lần thử nghiệm, đến giữa năm 2018, mẻ thành phẩm mật chuối Tabai hoàn thiện đầu tiên ra mắt thị trường và trở thành sản phẩm độc quyền ở thời điểm hiện tại. Đặc trưng của mật chuối Tabai là được ủ lên men tự nhiên trong chum sành, ít nhất ba tháng mới ra thành phẩm. Điều này cũng tạo nên hương vị khác biệt so với các sản phẩm mật làm bằng máy.
Vị CEO của An Hòa Farm cho biết thêm việc sản xuất mật chuối không chỉ tạo ra kinh tế cho gia đình mà còn gia tăng giá trị thương phẩm, giải quyết một lượng lớn chuối sạch bị bỏ phí. Ngoài mật chuối Tabai, An Hòa Farm còn có rất nhiều sản phẩm khác như chuối sấy dẻo, giấm chuối rừng hay tiêu sẻ, đậu đen xanh lòng…
“Hành trình phát triển của An Hòa Farm đi theo hướng một DN xã hội. Cơ sở sản xuất sẽ là nơi tiêu thụ chính, đảm bảo đầu ra nông sản cho địa phương để họ tiếp tục giữ vững phương thức canh tác nông nghiệp thuần tự nhiên - bản sắc riêng trong nền kinh tế bản địa” - đại diện DN chia sẻ.
Đi từng bước ra thị trường nước ngoài
Nói đến dòng mật hoa quả trong nước, thị trường vẫn khá ít ỏi và sơ khởi khi mới chỉ có một số cái tên quen thuộc như mật hoa dừa Sokfarm, mật chuối Tabai, các sản phẩm mật thốt nốt… Sản phẩm chủ yếu phục vụ trong nước, số ít DN cung cấp đầy đủ giấy tờ về chất lượng và năng lực xuất khẩu ra nước ngoài.
Các kỹ thuật viên đang làm việc trong nhà máy sản xuất mật hoa quả. Ảnh: THU HÀ |
“Hiện tại hơn 90% sản phẩm của chúng tôi được tiêu thụ mạnh trong nước, gần 10% dành cho kênh xuất khẩu đến các thị trường như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỗi đơn hàng đều đem lại nguồn thu tốt và tỉ lệ tái ký kết các đơn hàng luôn cao. Đơn cử như thị trường Nhật Bản, mỗi đơn hàng chúng tôi xuất đi 1.200 chai và khoảng ba lần trong năm. Chỉ cần có đơn hàng đầu tiên vào thị trường nước bạn thì việc có thêm các đơn hàng sau sẽ thuận lợi hơn nhiều” - ông Ngãi nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, hiện nhà máy hoạt động hết công suất với 20.000 tấn/tháng nhưng vẫn không đủ đáp ứng thị trường. Do đó, DN đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất và nâng tỉ trọng xuất khẩu lên 50% trong thời gian tới.
Ở góc độ khác, đại diện một DN sản xuất mật hoa quả cho biết Việt Nam có lợi thế đa dạng trái cây nhưng chủ yếu chỉ tiêu thụ tươi hoặc chế biến dưới dạng thành phẩm. Kỹ thuật chế biến mật hoa vẫn là cuốn sách được mở vài trang ít ỏi bởi DN nhận định đó là thị trường ngách, phục vụ một nhóm khách riêng nên chưa khai thác hết tiềm năng.
Trong khi đó, ở các nước phương Tây, mật hoa quả đã được sử dụng phổ biến từ nhiều năm nay. Họ sử dụng các loại mật từ sản phẩm tự nhiên để thay thế đường nâu, đặc biệt mật hoa dừa cũng được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước.
Công nghệ cô đặc chân không trong chế tạo mật trái cây
TS Bùi Tấn Nghĩa, Trưởng bộ môn kỹ thuật thực phẩm, Khoa công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết trong sản xuất mật hoa quả thì kỹ thuật cô đặc chân không sẽ tiết kiệm được thời gian cô đặc và tính hiệu quả cao, thường chỉ cần cô đặc một lần cho các loại nước ép trái cây, quả mọng, mật hoa và dịch chiết thảo mộc… Đây cũng là nhóm nguyên liệu dễ bị biến tính ở nhiệt độ cao.
Do đó, khi sản xuất mật hoa quả bằng phương pháp này sẽ không làm giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình cô đặc, đồng thời không làm mất các hợp chất thơm nhờ sự lôi cuốn của hơi nước.
TS Nghĩa cũng đánh giá tiềm năng của ngành sản xuất mật hoa quả tại nước ta khi sở hữu nhiều loại thực vật cho hoa, mật hoa và quả. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất.
“Mặc dù có nhiều loại hoa cho mật nhưng phương pháp thu hoạch mật hoa vẫn là bài toán khó nhất. Nếu hoa dừa, thốt nốt dễ thu hoạch vì tập trung một cụm thì hoa nhãn, hoa tràm cách thu hoạch hiện nay chỉ dựa vào động vật như nuôi ong lấy mật. Đây cũng là trở ngại khi muốn thu hoạch mật từ hoa” - TS Nghĩa đánh giá.