Hậu Giang xác minh 2 vụ giả danh công an để lừa đảo

(PLO)- Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản hoặc chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-4, tin từ Công an Hậu Giang cho hay Công an huyện Phụng Hiệp đang tiến hành xác minh hai vụ việc có dấu hiệu giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa xảy ra trên địa bàn huyện.

Vụ thứ nhất xảy ra vào trưa 11-4 trên địa bàn xã Phương Bình. Cụ thể, vào thời gian trên, trong lúc một người dân đang sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép trên tuyến kênh thủy lợi gần nhà thì một nam thanh niên lạ mặt đi đến, tự xưng là công an, đang công tác tại Đội An ninh thuộc Công an huyện.

Công an huyện Phụng Hiệp đang tiến hành xác minh hai vụ việc có dấu hiệu giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa xảy ra trên địa bàn huyện. Ảnh: CHÂU ANH

Công an huyện Phụng Hiệp đang tiến hành xác minh hai vụ việc có dấu hiệu giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa xảy ra trên địa bàn huyện. Ảnh: CHÂU ANH

Sau đó, người này yêu cầu người đánh bắt thủy sản trái phép đưa 2 triệu đồng và hẹn ngày hôm sau đến Công an xã Vị Bình (huyện Vị Thủy) để đóng phạt.

Sau khi ông này năn nỉ, người tự xưng là ông an đồng ý lấy 500.000 đồng của người vi phạm rồi nhanh chóng rời đi.

Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 14-4 trên địa bàn thị trấn Cây Dương. Cụ thể, một chủ cơ sở kinh doanh có nhận được điện thoại từ một người phụ nữ, xưng là Công an, đang công tác tại Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện.

Sau khi xác nhận thông tin của chủ cơ sở, người phụ nữ này thông báo đến ngày 25-4, Công an tỉnh có tổ chức phối hợp với Công an huyện để tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác phòng cháy, chữa cháy cho các hộ kinh doanh.

Với lý do thời gian tập huấn ngắn, nên lực lượng Công an có chuyển phát nhanh một bưu phẩm gồm các tài liệu và thư mời, rồi yêu cầu chủ cơ sở đóng 490.000 đồng khi nhận bưu phẩm để làm lệ phí cấp giấy chứng nhận sau khi tập huấn xong.

Do nghi ngờ người phụ nữ này có dấu hiệu lừa đảo nên chủ cơ sở đã trình báo với Công an huyện thì phát hiện không có sự việc thông báo tập huấn trên.

Theo Công an Hậu Giang, thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới. Tuy nhiên, tình trạng này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lực lượng Công an và thiệt hại tài sản cho các cơ quan, tổ chức, nhân dân. Do đó, để chủ động phòng ngừa, Công an Hậu Giang khuyến cáo người dân cần cảnh giác và bình tĩnh khi nhận được các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng cán bộ Công an.

Cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản hoặc chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Đồng thời, công dân phải đề nghị được biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập... để trực tiếp đến liên hệ làm việc với cơ quan Công an. Trường hợp nghi ngờ có đối tượng giả danh Công an, người dân cần nhanh chóng trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm