Kết thúc 11 ngày tranh tài cuối, các VĐV Việt Nam (VN) giành tổng cộng 98 HCV, 85 HCB, 103 HCĐ, giành vị trí nhì toàn đoàn sau chủ nhà Philippines. Ngoại trừ SEA Games 2003 do VN đăng cai, đây là lần đầu một kỳ SEA Games mà thể thao VN vượt mặt đoàn Thái Lan.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết VN có nhiều môn đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu như vật đoạt tới 12 HCV, 2 HCB (trong tổng số 14 nội dung thi đấu), vượt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, cử tạ cũng rất xuất sắc khi dự kiến phấn đấu đoạt 1 HCV nhưng đã vượt định mức, đoạt được tới 4 HCV.
Điền kinh (với khó khăn trước lúc lên đường là một số VĐV trọng điểm bị chấn thương) đăng ký chỉ tiêu 14 HCV nhưng cuối cùng đã vượt chỉ tiêu, giành tới 16 HCV. Môn bơi cũng xuất sắc đoạt được tới 11 HCV. Đặc biệt các môn thể thao tập thể như bóng đá xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu 2 HCV của đội tuyển nữ và U-22 VN. Môn bóng rổ lần đầu tiên đoạt 2 HCĐ, quần vợt lần đầu tiên cũng viết lên lịch sử bằng chức vô địch của tay vợt Lý Hoàng Nam.
Bế mạc SEA Games 30 với thành tích vượt trội của thể thao VN, điểm nhấn đêm bế mạc là Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận cờ đăng cai SEA Games 31 và Ánh Viên nhận danh hiệu nữ VĐV xuất sắc. Ảnh: CTV
Cùng điểm lại những khoảnh khắc xuất thần của các “chiến binh”. Môn điền kinh, nhà vô địch Lê Tú Chinh thực hiện cuộc lật đổ ngoạn mục VĐV Philippines gốc Mỹ Kristina Knott, giành HCV cự ly chạy 100 m. Trước Lê Tú Chinh, chức vô địch hạng 54 kg của nữ lực sĩ Vương Thị Huyền cũng khiến những người VN có mặt tại nhà thi đấu Rizal Memorial tự hào sau cuộc lật đổ Setiawati Lisa, đoạt HCV với tổng cử 172 kg, gần gấp bốn lần trọng lượng cơ thể. Trong nước mắt hạnh phúc, Huyền bộc bạch rằng thành tích này cô không thể đem về khoe với cha. Bởi ông vừa ra đi mãi mãi chỉ một tuần trước khi Huyền đến với đấu trường SEA Games.
Ở hạng cân 64 kg nữ, lực sĩ cử tạ Phạm Thị Hồng Thanh còn thực hiện được điều kỳ diệu hơn khi “dạy” cho đối thủ Ando Ann của Philippines bài học về tự tôn trọng và chiến đấu hết mình.
Cùng với những khoảnh khắc “vàng” đầy ấn tượng nêu trên, hai môn thi căn bản Olympic là bơi lội và điền kinh cũng lần đầu tiên trình làng những gương mặt trẻ đầy triển vọng.
Ở môn bơi lội, kình ngư 19 tuổi Nguyễn Huy Hoàng giành 2 HCV, phá hai kỷ lục SEA Games các cự ly 400 m và 1.500 m tự do, đoạt chuẩn A giành vé chính thức dự tranh Olympic Tokyo 2020. Nối tiếp thành công này là gương mặt 16 tuổi Trần Nguyên Hưng, giành 2 HCV các cự ly 200 m và 400 m hỗn hợp, phá một kỷ lục SEA Games.
Môn điền kinh, VĐV 19 tuổi Trần Nhật Hoàng xuất sắc đoạt đến 3 HCV các nội dung 400 m rào cá nhân, 4 x 400 m rào tiếp sức nam và 4 x 400 m rào tiếp sức phối hợp nam nữ.
Chỉ tính riêng hai môn thi mũi nhọn điền kinh và bơi lội, các VĐV giành tổng cộng 27 HCV (16 HCV điền kinh), đóng góp gần 1/3 trong số lượng HCV cho đoàn thể thao VN giành được tại SEA Games 2019.
Cũng trong ngày bế mạc, “tiểu tiên cá” Ánh Viên được ban tổ chức SEA Games vinh danh nữ VĐV xuất sắc nhất với thành tích 6 HCV.
Buổi lễ bế mạc tối 11-12 đậm màu sắc và tình hữu nghị với phần kết là màn trình diễn giới thiệu văn hóa VN, đất nước đăng cai SEA Games 31 - 2021. Đại diện Ủy ban Olympic VN đã chính thức nhận cờ đăng cai kỳ SEA Games kế tiếp từ đại diện Ủy ban Olympic Philippines.
Đại hội lần thứ 31 sẽ diễn ra tại VN vào năm 2021, thể hiện tình đoàn kết, trung thực và tinh thần cao thượng mà thể thao khu vực luôn hướng đến. Đây cũng là lần thứ hai VN đăng cai SEA Games với địa điểm chính là thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.