Hiến kế giúp giá vàng SJC bớt nhảy múa

(PLO)- Bộ Tài chính cần đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về mức 0% như cũ nhằm khuyến khích xuất khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ cho đất nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không thể phủ nhận từ khi có Nghị định 24/2012, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, một số quy định của nghị định này không còn phù hợp và cần sửa đổi.

Giá vàng phải hội nhập với thế giới

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: Từ góc độ quản lý nhà nước, hiện nay thị trường vàng Việt Nam đang được quản lý theo kiểu “một mình một chợ”. Trong điều kiện hội nhập, Nhà nước không thể mãi thi hành chính sách đóng cửa với loại hàng hóa này.

Bên cạnh đó, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thực hiện chức năng kinh doanh vàng vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng dễ dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu, lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh.

Từ góc độ tổ chức, hiện các công ty kinh doanh không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Hơn nữa, do không được cấp phép nhập khẩu vàng, các công ty kinh doanh vàng trang sức gặp khó khăn khi phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển. Chưa hết, không ít doanh nghiệp (DN) vàng không vay được vốn NH, không có nguyên liệu sản xuất nên phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Từ góc độ người mua, việc độc quyền một thương hiệu khiến người dân sở hữu vàng của các thương hiệu khác phải chấp nhận bán rẻ hơn vàng SJC cả chục triệu đồng/lượng dù chất lượng như nhau.

Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, không có NH trung ương nào trên thế giới sản xuất vàng miếng cả. Vì vậy, NHNN có thể xem xét cho một số NH thương mại hoặc DN được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường.

vàng
Các chuyên gia đề xuất trả lại việc sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp.
Ảnh: THÙY LINH

Chung quan điểm, ông Nguyễn Nhật Minh, chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học NH thuộc Học viện NH, cho biết: Từ năm 2014 đến nay, NHNN không sản xuất thêm vàng miếng SJC để cung cấp ra thị trường. Trong khi đó, người dân có tâm lý tích trữ vàng khiến mặt hàng này càng khan hiếm, đẩy giá tăng cao và nới rộng chênh lệch với giá vàng thế giới.

Mặt khác, Nghị định 24 cũng không cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, buộc họ phải chuyển sang sản xuất vàng trang sức. Điều này làm giá vàng miếng SJC ngày càng tăng.

Bỏ độc quyền, vàng SJC sẽ giảm giá

Nếu NHNN sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, tức các loại vàng miếng thương hiệu khác được cung ra thị trường khiến nguồn cung dồi dào thì mức chênh mua - bán giữa vàng trong nước với giá thế giới chắc chắn sẽ giảm.

Bên cạnh đó, nhu cầu vàng trong dân lớn không chỉ với vàng miếng SJC mà với cả vàng trang sức. Vì vậy, NHNN nên bỏ kinh doanh có điều kiện với vàng trang sức, khi đó sẽ có nhiều hơn các DN tham gia thị trường một cách dễ dàng. Như vậy, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn với vàng.

Ông NGUYỄN THẾ HÙNG, chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Minh, NHNN cần nghiên cứu, xem xét phương án nhập khẩu vàng và tái khởi động hoạt động sản xuất vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường.

“Việc nhập khẩu vàng có kiểm soát để tăng nguồn cung vàng miếng trong nước sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến dự trữ ngoại hối quốc gia” - ông Minh nói.

Chống “tiền tệ hóa” vàng SJC

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhận định: Nghị định 24 đưa ra mục tiêu rất quan trọng là “không vàng hóa nền kinh tế” và đến nay cơ bản đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, mặt trái của Nghị định 24 và những giải pháp gần đây của Việt Nam đã “tiền tệ hóa” vàng SJC.

Cụ thể, giá vàng SJC chênh lệch khá lớn với nhiều thương hiệu vàng khác trong nước. Có thời điểm giá chênh lệch lên tới 13-14 triệu đồng/lượng trong khi cùng hàm lượng, chất lượng. Mặc dù chênh lệch giá rất cao nhưng Nhà nước lại không tăng cung, chính vì vậy độ khan hiếm lại càng trở nên rõ ràng hơn. Người dân tin tưởng các quyết sách của Nhà nước nên lựa chọn mua vàng SJC dù giá cao chứ không mua vàng các thương hiệu khác.

Như vậy, tính chất “sùng bái” vàng SJC và nghi ngại các mặt hàng vàng khác đã tạo ra mặt trái của thị trường vàng cũng như sự thiếu bình đẳng giữa vàng SJC và nhiều thương hiệu vàng khác.

Vì vậy, ông Phong cho rằng khi sửa Nghị định 24 cần bám sát hai mục tiêu. Thứ nhất là chống vàng hóa nền kinh tế. Thứ hai là chống “tiền tệ hóa” vàng SJC.

Liên quan đến các vấn đề này, chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo ngày 3-1 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay Nghị định 24 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng như giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỉ giá và thực thi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đến nay cần thiết phải sửa đổi để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng và đáng ra phải sửa đổi sớm hơn.

“Nhà nước không bảo hộ giá vàng miếng cũng như các DN kinh doanh vàng. Nhưng Nhà nước phải đảm bảo được quyền lợi của người dân, không thể để giá vàng trong nước quá cao so với thế giới. Không chấp nhận việc giá vàng SJC trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới đến 20 triệu đồng/lượng như thời gian qua. Đồng thời, không chấp nhận việc giá vàng SJC cao hơn một số loại vàng khác đến vài triệu đồng” - phó thống đốc NHNN nhấn mạnh..

Theo ông Tú, tất cả vấn đề trên sẽ được xem xét khi sửa đổi Nghị định 24 sắp tới.

Lập sàn giao dịch, trả lại việc sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp

Để ổn định thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị NHNN cần đánh giá tổng kết hiệu quả và những tồn tại bất cập của Nghị định 24 nhằm sửa đổi trong thời gian sớm nhất phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, việc sửa đổi lần này phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.

Đặc biệt, trả lại việc sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các DN. NHNN không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng. Thay vào đó, NHNN có thể xem xét cho một số NH thương mại hoặc DN được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, NH thương mại chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh, còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập. Ngoài ra, đưa sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện và xem xét cho phép DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Mặt khác, Bộ Tài chính cần đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ để khuyến khích xuất khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm vàng trang sức - mỹ nghệ Việt Nam với sản phẩm của các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, NHNN nghiên cứu thành lập một sở giao dịch hàng hóa, trong đó có vàng như các nước đã làm. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Nhà đầu tư cá nhân có thể ký gửi vàng tại các trung tâm lưu ký.

“Giá mua bán tại đây được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng, nhà đầu tư có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên xuống. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân” - ông Long đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm