Video: Hoa mới, hoa lạ thống lĩnh thị trường tết |
Những ngày gần đây, các điểm bán hoa, cây kiểng tại TP.HCM đã rục rịch bán hoa tết. Hiện lượng hoa từ các tỉnh, thành đổ về TP.HCM ngày một nhiều, trong đó xuất hiện một số giống hoa mới, cây kiểng tạo hình độc lạ.
Hoa mới “cháy hàng”
Ông Đoàn Hữu Bốn, một lão nông ở làng hoa Phó Thọ, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, phấn khởi cho biết: Mùa tết năm nay, gia đình ông sản xuất khoảng 3.000 chậu hoa với nhiều chủng loại như cúc pha lê, cúc kim cương, cúc họa mi, vạn thọ, cát tường… Thời điểm này sức tiêu thụ đạt 40%, dự kiến cận tết nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Giá hoa bán lẻ không tăng so với năm ngoái, ví dụ hiện hoa vạn thọ 40.000 đồng/cặp hai cây.
Hoa từ các địa phương đổ về TP.HCM ngày càng nhiều. Ảnh: TÚ UYÊN |
Đặc biệt, mùa tết năm nay, lần đầu tiên gia đình ông trồng thành công 150 giỏ cúc mâm xôi màu tím và đã được nhiều người đặt mua từ rất sớm. Phần lớn cúc mâm xôi tím được bán cho thị trường TP.HCM và ngay tại địa phương. Đây là giống cúc nhập từ Hàn Quốc.
“Năm ngoái tôi đã trồng thử nghiệm 90 giỏ nhưng ít được biết đến. Năm nay không hiểu phong thủy sao nhiều người thấy lạ và thích màu tím. Mặt khác, do đây là giống hoa mới, tôi vẫn đang trồng thử nghiệm, chưa sản xuất quy mô lớn nên cháy hàng” - ông Bốn kể.
Cây mai mạ vàng giá 6 tỉ đồng
Những ngày này, khi đi qua quảng trường Mỹ Đình (trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội) ai nấy cũng đều trầm trồ khi thấy cây mai mạ vàng “khủng” (ảnh).
Theo anh Hoàng Văn Định, đây là năm đầu tiên công ty của anh đưa sản phẩm mai vàng bằng đồng mạ vàng ra thị trường. Cây mai vàng đã được sách kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận “Cây mai đại phúc bằng đồng mạ vàng 24K lớn nhất Việt Nam”. Cây mai vàng có chiều cao 3 m, có trọng lượng gần 300 kg được làm bằng đồng nguyên khối, mạ vàng 24K.
Để làm nên tác phẩm này, 16 nghệ nhân phải làm liên tục trong vòng 90 ngày, được chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội để trưng bày, phục vụ tết Nguyên đán cho người dân thủ đô được chiêm ngưỡng.
Ngoài cây mai khủng có chiều cao 3 m, còn nhiều cây mai vàng khác có chiều cao, kích thước đa dạng, giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán 2023.
Hiện tại làng hoa Phó Thọ có ba gia đình sản xuất cúc mâm xôi màu tím và cũng bán hết từ sớm. Nhờ sự mới lạ nên cúc mâm xôi tím bán tại vườn với giá 200.000 đồng/giỏ, cao hơn cúc mâm xôi vàng.
“Bên cạnh cúc mâm xôi màu tím, tết năm nay lần đầu tiên chúng tôi trồng thành công một giống cúc khác nhưng chưa đặt tên. Hoa cúc này có màu đỏ rất độc đáo, thân cao khoảng sáu tấc, làm được chín giỏ và một đơn vị du lịch đã mua sản phẩm này” - ông Bốn tiết lộ.
Ông Đinh Văn Mười, nhà vườn Sa Đéc (Đồng Tháp), thông tin để chuẩn bị phục vụ tết, năm nay gia đình sản xuất hơn 10.000 chậu hoa nhưng do thời tiết khắc nghiệt, số lượng hoa bị hư hao nhiều. Vì vậy gia đình tuyển dưới 3.000 chậu hoa các loại như cúc mâm xôi, cúc đại đóa, cúc pha lê, cúc tím… đưa lên chợ hoa Bình Điền phục vụ cho người dân TP.HCM. Năm nay chi phí sản xuất hoa tăng cao nên giá sẽ tăng 10% để bù đắp phần nào chi phí sản xuất. Hiện cúc đại đóa màu vàng, hàng chuẩn loại nhỏ giá 150.000-170.000 đồng/cặp.
Nhiều nhà vườn khác cũng cho hay các loại hoa mới lạ như cúc mâm xôi tím, cúc kim cương, cúc pha lê… được thị trường TP.HCM tiêu thụ nhiều. Còn các loại hoa truyền thống đa số bán cho các tỉnh, thành miền Tây.
Hàng nội được ưa chuộng
Ông Phạm Hoàng Kha, chủ shop hoa Five Flower (quận 3, TP.HCM), đánh giá: Vào mỗi dịp tết đến, hoa lan hồ điệp thường chiếm đến 1/3 doanh số của cửa hàng. Thị trường lan hồ điệp có hai phân khúc giá. Theo đó, nếu hoa được cắm vào bình trang trí đơn giản giá 220.000-250.000 đồng/cành và nếu bình hoa được trang trí tiểu cảnh thì giá 320.000-350.000 đồng/cành. Với lan hồ điệp, giá 500.000-1 triệu đồng/chậu ba gốc.
“Lan hồ điệp được sản xuất trong nước, nguồn cung dồi dào nên giá ổn định. Bên cạnh đó, lan hồ điệp chưng được lâu, người bán cũng đã lên kế hoạch trữ sẵn nên hiện nay hoa phục vụ tết đã được nhập về bán với giá ổn định” - ông Kha chia sẻ.
Hoa Đà Lạt đưa ra thị trường tết năm nay chủ yếu là hoa cúc, lay ơn, ly ly, cẩm chướng… Ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, khẳng định: Nguồn cung hoa Đà Lạt phục vụ tết đảm bảo đầy đủ, đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, dự báo sức tiêu thụ hoa tết năm nay có thể giảm so với năm ngoái do kinh tế khó khăn, người dân hạn chế tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có hoa.
Về giá, năm nay do chi phí đầu vào, sản xuất hoa như phân bón, nhân công, vận chuyển, củ giống nhập khẩu… tăng cao nên hầu hết các loại hoa sẽ tăng giá khoảng 10%-15%. Đơn cử giống củ lan hồ điệp nhập khẩu về trồng tại Đà Lạt giá tăng, nên bán tại vườn 130.000-150.000 đồng/cành.
Từ ngày 8-1, Trung Quốc mở cửa, các loại hoa như lan hồ điệp, ly ly chậu, ly ly cắt cành… từ nước này sẽ nhập về nước ta nhiều hơn. Như vậy, một số loại hoa Đà Lạt như lan hồ điệp, ly ly chậu, ly ly cắt cành sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi ngành hoa Đà Lạt phải nâng cao chất lượng, công nghệ, đóng gói, chính sách hậu mãi…
“Trong tương lai, các công ty hoa ở Đà Lạt cần đẩy mạnh phát triển thương hiệu gắn liền với sản phẩm, thậm chí định giá cho sản phẩm mang tính công nghiệp qua mã QR. Từ đó để người tiêu dùng nhận biết đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Việt Nam” - ông Hưng nhấn mạnh.
Đào phía Bắc, hoa giấy “chân dài” bán chạy
Tại một số điểm bán hoa ở TP.HCM, các loại cây kiểng chưng dịp tết như thần tài, khế, cây kim ngân lượng… đã được trang trí rực rỡ sắc xuân. Đặc biệt, tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ, thời điểm này nhiều sạp bán hoa đào cành từ miền Bắc đưa vào và được nhiều khách hàng quan tâm. Giá hoa đào cành trung bình 150.000-800.000 đồng/cành.
Anh Hiệp, chủ một sạp hoa, giải thích anh bán đào cành vì cành vừa tạo được nhiều dáng đẹp vừa dễ vận chuyển hơn so với cây đào trồng lâu năm còn nguyên gốc. Những cành đào này được vận chuyển bằng máy bay nên giữ chất lượng tốt hơn so với đi xe lạnh.
Chị Chi, chủ một điểm bán cây kiểng trên đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM), thông tin: Ngoài các loài hoa truyền thống, tết năm nay nhà vườn tung ra một số chậu hoa giấy ngũ sắc giống Thái “chân dài”, giá 3 triệu đồng chậu. Bên cạnh đó, bonsai hoa giấy giống Thái cẩm thạch có giá 2 triệu đồng/chậu cũng là sản phẩm mới được nhà vườn tung ra dịp tết này.
Ngoài hoa nội địa, một số hoa nhập khẩu được người tiêu dùng đặt mua như đào đông, mai Mỹ, đào cam, tiểu tú cầu, đào đỏ Ankaneboke nhập từ Nhật Bản… Hiện tiểu tú cầu giá 400.000 đồng/cành, đào đỏ 500.000 đồng/cành, mai Mỹ 400.000 đồng/cành.
Thương lái đổ về thủ phủ hoa miền Tây
Những ngày gần kề tết Nguyên đán, làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp rộn ràng hơn bao giờ hết. Theo UBND TP Sa Đéc, diện tích hoa kiểng phục vụ tết Nguyên đán năm 2023 đạt khoảng 100 ha, tăng 40 ha so với năm ngoái. Các loại hoa chủ yếu vẫn là hoa truyền thống địa phương, cúc mâm xôi, cúc Tiger, cúc Đài Loan, cúc Pico...
Ngoài các loại hoa kiểng truyền thống, nông dân Sa Đéc còn tự tìm tòi các giống mới, phù hợp với khí hậu địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường phát triển hằng năm.
Thời điểm này, ngàn loại hoa đã bắt đầu hé nụ khoe sắc. Thương lái nhiều nơi đã bắt đầu đổ xô đến thủ phủ hoa miền Tây “gom hàng” cho thị trường tết. Còn nhà vườn cũng bắt đầu thu “quả ngọt”.
Hiện cúc Pico có giá 40.000 đồng/chậu, tắc 140.000-160.000 đồng/cặp. Hoa giấy nhiều màu sắc tươi sáng tượng trưng cho sự may mắn, phát tài nên cũng rất được ưa chuộng.
HẢI DƯƠNG
Hoa Sa Đéc, Đồng Tháp nhộn nhịp ra chợ tết. Ảnh: HẢI DƯƠNG |