Các tuyển thủ U-23 Việt Nam đã đứng vững suốt 90 phút trước sức ép dữ dội của U-23 Syria, đặc biệt ở những phút cuối trận căng thẳng thần kinh. Cũng phải thừa nhận các chân sút U-23 Syria quá dở, sau hàng loạt cơ hội tạo ra trong hiệp 2 vẫn không một lần biết phá lưới đối phương.
Đổi thay duy nhất ở trận cuối vòng bảng này là việc HLV Park Hang-seo đưa chân sút Văn Toàn đá chính thay Hà Đức Chinh so với hai trận đấu trước. Và vẫn với cách chơi phòng ngự chặt nhiều tầng để buộc U-23 Syria “say mồi” vì cần phải thắng, các tuyển thủ trẻ Việt Nam đá đủng đỉnh chờ thời.
Có thể thấy U-23 Việt Nam dễ chơi hơn không chỉ bởi đẳng cấp của đối thủ U-23 Syria không quá vượt trội như kiểu của Hàn Quốc hoặc tiếng tăm hơn như Úc. Càng dễ chơi hơn cho học trò ông Park khi họ không ở vào thế phải giành chiến thắng bằng mọi giá mới có suất chơi tứ kết. Vấn đề còn là cách chơi của U-23 Việt Nam đã nhuần nhuyễn hơn sau hai trận ra quân từng gây rất nhiều khó khăn cho các đội bóng còn mạnh hơn cả Syria.
U-23 Việt Nam đã giành vé chơi tứ kết U-23 châu Á. Ảnh: AFC
Mặc dù nghiên cứu kỹ lối chơi U-23 Việt Nam và thậm chí là sao chép tinh thần kỷ luật chặt chẽ, các cầu thủ Syria vẫn không có chìa khóa mở cửa vào khung thành đối phương. Những đợt tấn công của U-23 Syria thường bị bẻ gãy trước pha sút bóng cuối cùng. Thời gian cứ nhàn nhã trôi đi trong ý thức tuân thủ chiến thuật chắc chắn của U-23 Việt Nam. Học trò ông Park trong suốt hiệp 1 chỉ có một cú sút của Công Phượng chệch cột nhưng U-23 Syria cũng chẳng khá hơn vì không thể gây khó cho thủ môn Tiến Dũng.
Thầy trò ông Park còn được tiếp thêm khí thế rất lớn, không chỉ từ nhóm cổ động viên dễ mến trên khán đài sân Thường Thục mà còn bởi ưu thế điểm số khi U-23 Hàn Quốc trong hiệp 1 đã ghi hai bàn vào lưới U-23 Úc. Điều này có nghĩa U-23 Việt Nam chỉ cần có 1 điểm là nghiễm nhiên lấy vé vào chơi tứ kết.
Ngược lại, U-23 Syria ở thế phải thắng mới có thể đi sâu đã bộc lộ dấu hiệu nôn nóng hơn trong hiệp 2. Họ ào ạt dâng cao đội hình hơn để gia tăng sức ép tấn công. Tiếc là mọi nỗ lực của học trò ông Hussein Afash chỉ như cổ vũ thêm cho sự vững vàng của hàng phòng ngự U-23 Việt Nam. Thậm chí U-23 Syria còn suýt thua nếu Công Phượng ở pha đối mặt thủ môn sút hiểm hóc hơn một chút.
Ý đồ thủ chặt của HLV Park Hang-seo bộc lộ rõ hơn ở hiệp 2 khi rút Văn Toàn ra nghỉ để đưa Phan Văn Đức vào sân và không lâu sau đó tiếp tục đẩy Hà Đức Chinh thay thế Công Phượng. Năm hậu vệ của U-23 Việt Nam giữ cự ly hợp lý và bọc lót cho nhau không thể chê vào đâu.
Trong khi đó, U-23 Syria mở nhiều hơn những đợt không kích vào gần cầu môn đối phương và khoảng ba lần tạo ra cơ hội mười mươi nhưng sự vụng về của các tiền đạo đều làm hỏng đi. Ba lần thay đổi người của họ nhắm vào việc làm mới hàng công gây bất ngờ cho U-23 Việt Nam vẫn không có tác dụng.
Thầy trò Park Hang-seo sau cơn địa chấn thắng U-23 Úc 1-0 đã viết tiếp trang sử vàng cho bóng đá trẻ Việt Nam khi lọt vào nhóm tám đội mạnh nhất châu Á.
U-23 Việt Nam gặp “núi lớn” Iraq Một ngày sau khi U-23 Malaysia đoạt vé vào chơi tứ kết giải U-23 châu Á, thầy trò ông Park cũng tiếp bước đi theo. U-23 Việt Nam đứng nhì bảng D với 4 điểm, xếp sau U-23 Hàn Quốc 7 điểm nhờ có chiến thắng trước U-23 Úc. Như vậy, HLV Park Hang-seo và các học trò sẽ gặp đội nhất bảng C là tuyển U-23 Iraq vào ngày 20-1. Đây là một đối thủ lớn từng vô địch giải đấu này lần đầu tiên cách đây bốn năm. Ở vòng bảng, U-23 Iraq từng vùi dập Malaysia 4-1, hòa Saudi Arabia 0-0, thắng Jordan 1-0. |