Hoa thiên lý thường dùng làm thức ăn mát, bổ, chữa mất ngủ, giải nhiệt độc, trị đau mắt do nhiệt, trĩ ngoại và giun kim. Thông thường, người ta vẫn dùng hoa thiên lý để nấu canh ăn giúp dễ ngủ, ngon giấc, bớt mệt mỏi, chữa sốt nhẹ, lao lực…
Chữa yếu sinh lý và cải thiện vô sinh ở nam giới
Vì giàu dưỡng chất, hoa thiên lý còn được dùng chữa một số bệnh cho kết quả khá tốt như giúp trẻ chóng lớn, giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt ở người lớn tuổi, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, sự có mặt của chất kẽm còn giúp tăng chất lượng và số lượng tinh trùng ở những nam giới suy yếu sinh lý, nó giúp cải thiện tình trạng vô sinh ở nam giới bị nhiễm chì. Chính vì vậy mà ông bà ta có câu ca dao: “Thương chồng nấu cháo le le, nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen…”.
Ảnh: INTERNET
Ăn hoa thiên lý còn giúp phòng, chống rôm sảy, chữa tiểu đêm, mệt mỏi, đau lưng, chống viêm, chóng lên da non, được sử dụng trị liệu trong các chứng như viêm kết mạc cấp và mạn, mắt có màng mộng… Ngoài ra, hoa thiên lý giàu carbohydrate, protein, vitamin A và C… nên rất tốt cho mắt. Trong 100 g hoa thiên lý chứa 2,9 g chất đạm, 2,8 g đường, 3 g chất xơ; có nhiều khoáng tố như canxi, phốt-pho, sắt, caroten (tiền sinh tố A), nhiều loại vitamin như B1, B2, PP và vitamin C. Một số công trình nghiên cứu còn ghi nhận hoa thiên lý chứa nhiều vitamin E, đặc biệt là kẽm và một số khoáng vi lượng khác, là các chất thiết yếu cho hoạt động của cơ quan sinh dục.
Liều dùng hoa thiên lý trong các bài thuốc phổ biến từ 20 g đến 30 g (100-200 g tươi). Khi chế biến các món ăn với hoa thiên lý, lưu ý không xào nấu quá chín sẽ làm giảm các dưỡng chất và dập nát cánh hoa, mất ngon.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa thiên lý
Chữa chứng mất ngủ: Lấy 30 g hoa thiên lý, 10 g hoa nhài, 15 g tâm sen. Các vị trên sắc kỹ lấy nước uống trong ngày. Dùng 3-5 ngày.
Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt: Hoa thiên lý, bạch cúc mỗi vị 10 g; lá đinh lăng, rau má mỗi vị 8 g; ngải cứu 12 g rửa sạch, sắc uống ngày một thang, chia làm ba lần/ngày. Dùng liền năm ngày.
Chữa chứng đau người, nhức xương: Hoa thiên lý xào thịt bò hoặc luộc chấm muối vừng ăn hằng ngày.
Phòng rôm sảy mùa hè: Trẻ nhỏ và người lớn ăn canh hoa thiên lý, lá thiên lý non; còn trẻ ăn dặm có thể nghiền lá non và hoa thiên lý, quấy bột, cháo cho trẻ rất tốt, rất mát.
Trị giun kim: Dùng 20 g hoa thiên lý nấu canh ăn liên tục một tuần, cho kết quả rất tốt (theo kinh nghiệm dân gian).
DS LÊ KIM PHỤNG
Cẩn trọng với phụ nữ mang thai và cho con bú Hoa thiên lý dùng làm thức ăn có vẻ là an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, khi dùng làm thuốc và liều cao thì hoa thiên lý cũng có thể gây ra một số dị ứng. Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú nếu liều cao hơn dùng làm thức ăn. Liều thích hợp của hoa vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác của người sử dụng, tình trạng bệnh lý và một số điều kiện khác. Hiện chưa có đủ thông tin khoa học để xác định một phạm vi thích hợp về liều lượng nhưng hãy nhớ rằng các sản phẩm thiên nhiên không phải luôn an toàn và liều lượng có thể rất quan trọng. Khi dùng để chữa bệnh hãy tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi sử dụng. Không chỉ hoa thiên lý mới có vị thuốc mà rễ, lá của thiên lý cũng được dân gian dùng chữa bệnh rất tốt. Rễ thiên lý có tác dụng chữa đái buốt, nước tiểu lẫn máu hoặc có cặn trắng, dùng 12-20 g/ngày dưới dạng thuốc sắc. Lá thiên lý có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, kích thích mọc da non, thường dùng để đắp lên mụn nhọt, những vết loét, chữa trĩ ngoại (lòi dom) và sa dạ con, liều dùng 12-20 g/ngày. |