Hoạt động quân sự của Israel tại Gaza vào giai đoạn khó khăn nhất

(PLO)- Hoạt động quân sự của Israel tại Gaza bước vào giai đoạn khó khăn nhất khi việc tấn công Hamas tại nam Gaza gặp nhiều thách thức và Israel vấp phải sự phản đối mạnh của cộng đồng quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn 3 tháng rưỡi xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) nổ ra, hoạt động quân sự của Israel tại Gaza vẫn chưa dừng lại.

Lực lượng Israel đã oanh tạc dữ dội miền bắc Gaza và đã kiểm soát phần lớn khu vực phía bắc Gaza.

Theo tờ The Wall Street Journal, sau thời gian Israel oanh tạc, phần lớn khu vực đô thị ở bắc Gaza trở thành đống đổ nát, nhiều tiểu đoàn của Hamas ở bắc Gaza bị xoá sổ, song vẫn còn một số nhóm Hamas hoạt động nhỏ lẻ tại khu vực này.

Trong khi đó, hoạt động của lực lượng Israel ở phía nam Gaza dường như đang đi vào thế bế tắc.

Hoạt động quân sự của Israel tại Gaza bước vào giai đoạn khó khăn nhất
Binh sĩ Israel tại TP Khan Younis (bắc Gaza). Ảnh: AP

Tại nam Gaza, số lượng dân tập trung trong khu vực rất lớn, sau khi di tản từ bắc Gaza. Theo The Wall Street Journal, các chiến binh Hamas nhiều khả năng trà trộn trong số dân thường này. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế phản ứng ngày càng mạnh khi số lượng dân thường thiệt mạng và bị thương tăng cao. Những điều này gây áp lực không nhỏ cho Israel, buộc nước này phải thay đổi chiến thuật tại Gaza.

Ông Hussein Ibish – nhà nghiên cứu tại Viện Các quốc gia Vùng Vịnh Ả Rập (Mỹ) cho rằng: “Bây giờ người dân tập trung ở phía nam Gaza, Israel không thể làm những gì họ đã làm ở phía bắc”. Nếu Israel tấn công mạnh ở miền nam Gaza, hàng trăm nghìn người sẽ thiệt mạng và Mỹ sẽ không ủng hộ hành động như vậy của Israel.

Israel không dễ tấn công Hamas ở nam Gaza

Khan Younis nằm ở nam Gaza, là TP lớn thứ hai của dải đất này. Đây là nơi sinh sống của nhiều thủ lĩnh cấp cao của Hamas, trong đó có thủ lĩnh cấp cao Yahya Sinwar – nhân vật chủ mưu vụ tấn công bất ngờ và táo bạo vào Israel ngày 7-10-2023.

Các quan chức Israel tin rằng ông Sinwar đang ẩn náu đâu đó trong đường hầm bên dưới Khan Younis, cùng với một số con tin còn lại.

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Khan Younis bắt đầu vào tháng 12-2023. Đầu tiên, lực lượng Israel giành quyền kiểm soát các con đường chính dẫn vào TP. Sau đó, Sư đoàn lính dù 98 đã dần tiến sâu vào vùng ngoại ô phía đông và trung tâm TP Khan Younis.

Tướng Dan Goldfus là người chỉ huy Sư đoàn lính dù 98 thuộc quân đội Israel. Ông Goldfus được giao nhiệm vụ chiếm TP Khan Younis. Tuy nhiên, đây được xem là thách thức lớn nhất đối với lực lượng Israel kể từ khi bắt đầu hoạt động đổ bộ tại Gaza.

“Mê cung ở đây rộng lớn hơn nhiều so với ở TP Gaza” – ông Goldfus nói, ám chỉ các đường hầm tại Khan Younis.

Ông cho biết nhiệm vụ của ông trước hết là giải cứu những con tin còn lại. Tuy nhiên cho đến nay, Israel mới chỉ giải cứu được 1 con tin còn sống ở Gaza, thông qua một chiến dịch quân sự.

Tại một đường hầm gần đó, trong những căn phòng chật chội, lực lượng Israel cho biết họ đã tìm thấy tóc, quần áo và đồ dùng cá nhân của một số con tin được thả vào tháng 11-2023. Điều này cho thấy Hamas từng sử dụng các đường hầm ở Khan Younis để cầm giữ các con tin.

fdbb1962d00925cd8afb188d2d9ed77b84c0a8c7.jpg
Tướng Dan Goldfus tại miền nam Gaza. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Trên mặt đất, ánh nắng mùa đông phơi bày tác động của hỏa lực Israel. Những khu dân cư gần khu vực đường hầm bị pháo kích hoặc súng máy bắn nát. Một số đường phố bị san phẳng sau các cuộc không kích.

“Cường độ tấn công cũng giống ở TP Gaza nhưng nó được tập trung và kiểm soát hơn. Các cuộc tấn công ở đây có mức độ khác với các cuộc tấn công ở bắc Gaza” – ông Goldfus cho hay.

Trong số 4 tiểu đoàn của Hamas ở Khan Younis, ông Goldfus cho biết lực lượng của ông đã phá tan 2 tiểu đoàn ở phía đông TP. Ông cho biết Hamas còn 1 tiểu đoàn đang hoạt động ở phía nam và 1 tiểu đoàn hoạt động ở phía tây Khan Younis – nơi có đông người tị nạn.

“Chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định” – ông Goldfus nói.

Theo The Wall Street Journal, các đơn vị Israel có một bản đồ kỹ thuật số, được cập nhật liên tục về nơi cư trú của dân thường. Bản đồ được đánh mã màu để biểu thị quận nào có đông người tị nạn và quận nào đã vắng người.

“Khi lên kế hoạch cho một chiến dịch, trước tiên tôi xem xét mục tiêu quân sự, sau đó tôi xem xét số lượng dân và những phương tiện mà chúng tôi có thể đưa vào khu vực đó. Thật đau đớn khi biết mình đã vô tình giết chết thường dân” – ông Goldfus cho hay.

Cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh

Không chỉ gặp khó khăn trong cuộc chiến với Hamas tại Gaza, Israel cũng đang đối mặt làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Ngay cả đồng minh quan trọng nhất của Israel là Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi Israel bảo vệ dân thường.

Sau thông tin về việc nhiều cơ sở y tế tại Khan Younis bị bao vây được đưa ra, hôm 22-1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Israel có quyền tự vệ nhưng lưu ý rằng: "Chúng tôi hy vọng họ làm như vậy phù hợp với luật pháp quốc tế và hy vọng họ bảo vệ những người vô tội trong bệnh viện, nhân viên y tế cũng như bệnh nhân nhiều nhất có thể".

Trước đó, hôm 21-1, khi nhận tin số người chết tại Gaza đã vượt qua 25.000, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng con số này là “không thể chấp nhận”.

“Các hoạt động quân sự của Israel đã gây ra sự tàn phá hàng loạt và giết hại dân thường ở quy mô chưa từng có trong thời gian tôi làm tổng thư ký. Điều này thật đau lòng và hoàn toàn không thể chấp nhận. Trung Đông là một mồi lửa. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn xung đột bùng phát trên toàn khu vực” – ông Guterres cảnh báo.

AA-20240113-33425467-33425463-PROPALESTINIAN_RALLY_IN_INDONESIAN_CAPITAL-1705155798.jpg
Người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Jakarta (Indonesia) nhằm thể hiện sự ủng hộ người dân ở Gaza. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối xung đột tại Gaza diễn ra tại khắp nơi trên toàn cầu. Theo đài Al Jazeera, tuần qua, đánh dấu 100 ngày xung đột Israel-Hamas, hàng trăm ngàn người đã tham gia biểu tình tại Indonesia, Nhật, Anh, Ý, Mỹ… nhằm kêu gọi chấm dứt xung đột.

“Chúng tôi đã xuống đường hàng tuần kể từ ngày 7-10-2023. Chúng tôi sẽ tiếp tục xuống đường, tiếp tục gây áp lực cho đến khi người dân Palestine được tự do” – một người biểu tình ở Anh nói.

Theo The Wall Street Journal, làn sóng phản đối như trên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động quân sự của Israel tại Gaza, buộc nước này phải cân nhắc hành động, thậm chí thay đổi chiến thuật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm