Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC bàn loạt vấn đề quan trọng toàn cầu

(PLO)- Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19-11, tập trung bàn an ninh lương thực, an ninh năng lượng và dự kiến thông qua "Các mục tiêu Bangkok” về mô hình tăng trưởng bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng thông tấn Kyodo News, hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) lần thứ 29 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 18-11 và kéo dài tới ngày 19-11 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ tập trung bàn các vấn đề nổi trội toàn cầu hiện nay như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, cũng như sự gián đoạn các chuỗi cung ứng.

Ngày mai 18-11, hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ chính thức khai mạc tại Thái Lan. Ảnh: REUTERS

Ngày mai 18-11, hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ chính thức khai mạc tại Thái Lan. Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC kỳ vọng sẽ nhất trí thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế nhằm khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế khu vực.

Theo một số nguồn tin từ chính phủ Nhật, các lãnh đạo tham dự APEC dự kiến sẽ thông qua dự thảo "Các mục tiêu Bangkok” về mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) - một chiến lược tăng trưởng hậu COVID-19 về một hành tinh bền vững.

Ông Thani Thongphakdi - Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan và Trưởng SOM APEC 2022 nhận định "Các mục tiêu Bangkok” sẽ đóng vai trò là một lộ trình cho sự phát triển bền vững và bao trùm của APEC. "Các mục tiêu Bangkok" chú trọng vào bốn lĩnh vực chính: hành động chống biến đổi khí hậu; đầu tư và thương mại bền vững; bảo vệ môi trường; và quản lý chất thải.

Các nội dung trên sẽ được thực hiện dựa trên một khuôn khổ pháp lý thuận lợi, xây dựng năng lực, phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối giữa các thành viên, theo tờ Bangkok Post.

Theo ông Thani, "Các mục tiêu Bangkok” sẽ vạch ra một lộ trình cho sự phát triển bền vững của APEC bằng cách chuyển đổi tầm nhìn và định hướng được đề cập trong Tầm nhìn Tầm nhìn Putrajaya 2040 và Kế hoạch hành động Aotearoa thành các hành động cụ thể.

Bên cạnh đó, ông Thani còn cho biết Thái Lan đã đề xuất về việc trao giải thưởng APEC BCG với mục tiêu đạt được sự bền vững trong khu vực, đồng thời góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng áp dụng mô hình kinh tế BCG.

Hội nghị này cũng là lần đầu tiên APEC đặt ra các mục tiêu toàn diện về các vấn đề khí hậu và môi trường.

Diễn đàn APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên; trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật…), 9 thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.

Về phía nước ta, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào hôm 16-11 đã tới Sân bay Không quân Hoàng gia Thái Lan Don Mueang, Thủ đô Bangkok, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29.

Theo TTXVN, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Cấp cao Việt Nam dự hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực; quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước.

Ngoài ra, hãng thông tấn Kyodo News đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Tại đây, bà sẽ nhấn mạnh vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ và kêu gọi các thành viên ủng hộ tầm nhìn của Washington về một trật tự kinh tế dựa trên luật lệ.

Dự kiến bà Harris sẽ đưa ra chương trình nghị sự kinh tế toàn diện của Mỹ đối với khu vực, bao gồm Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) mà chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm