Thượng đỉnh G20 kết thúc với tuyên bố chung 'thành công'

(PLO)- Ngày 16-11, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã bế mạc sau hai ngày làm việc và tuyên bố chung đã được thông qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo, việc thông qua được tuyên bố chung thể hiện “sự linh hoạt”, đồng thời hoan nghênh “thành công” này, theo báo The Jakarta Post. Hội nghị các bộ trưởng G20 hồi đầu năm kết thúc mà không có tuyên bố chung do Nga phản đối đề cập cuộc chiến ở Ukraine.

Tuyên bố chung thượng đỉnh G20 đề cập bao quát nhiều lĩnh vực: Kinh tế, an ninh, lương thực, khí hậu… G20 nhận định nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với “những cuộc khủng hoảng đa chiều chưa từng có”, từ cuộc chiến ở Ukraine đến lạm phát tăng, buộc nhiều nước phải siết chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, các lãnh đạo G20 đồng ý thận trọng với tốc độ tăng lãi suất để tránh tác động lan tỏa. Các nước cũng sẽ lưu ý đến lo ngại của các nền kinh tế mới nổi về nguy cơ dòng vốn khổng lồ chảy ra ngoài nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. G20 cũng kêu gọi tăng hỗ trợ “tạm thời và có mục tiêu” cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

G20 cam kết sẽ phối hợp hành động giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và hoan nghênh sáng kiến ​​về ngũ cốc ở Biển Đen. Về khí hậu, G20 nhất trí nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Tuyên bố chung thượng đỉnh G20 cũng lên án hành động gây hấn của Nga ở Ukraine “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” và yêu cầu Nga rút quân vô điều kiện. Theo tuyên bố chung, cuộc chiến ở Ukraine “đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu - kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời làm tăng rủi ro ổn định tài chính”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có mặt tại G20 đã lên án việc hội nghị bị “chính trị hóa”.

Liên quan vụ tên lửa rơi ở Ba Lan làm hai người chết ngày 15-11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 16-11 nhận định khả năng đây là “tai nạn đáng tiếc” và tên lửa xuất phát từ hệ thống phòng không của Ukraine khi đánh chặn tên lửa Nga. Ba Lan không có căn cứ nào để tin rằng tên lửa rơi xuống Ba Lan là do tấn công có chủ đích hoặc do Nga phóng ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm