Tuyên bố chung G20: Kiểm soát tốc độ tăng lãi suất, tôn trọng luật quốc tế

(PLO)- Các lãnh đạo G20 thông qua tuyên bố chung, nhất trí cùng kiểm soát tốc độ tăng lãi suất, theo đuổi nỗ lực giảm biến đổi khí hậu, duy trì luật pháp quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-11, lãnh đạo các nước G20 đã thông qua tuyên bố chung, nhất trí cùng kiểm soát tốc độ tăng lãi suất, theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, và kêu gọi các bên duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương để bảo vệ hòa bình và ổn định.

Tiền tệ

Ngày 16-11, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí giữ tốc độ tăng lãi suất ổn định để tránh tác động lan tỏa và cảnh báo “sự biến động gia tăng" trong các chuyển thái tiền tệ, theo hãng tin Reuters.

Trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo, các thành viên G20 cho biết nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với "những cuộc khủng hoảng đa chiều chưa từng có", từ cuộc chiến ở Ukraine đến lạm phát gia tăng, buộc nhiều ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

"Các ngân hàng trung ương G20 đang theo dõi chặt chẽ tác động của áp lực giá cả đối với tình trạng lạm phát và sẽ tiếp tục điều chỉnh phù hợp tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ" - theo tuyên bố.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo đã chính thức bàn giao chức Chủ tịch G20 cho Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo đã chính thức bàn giao chức Chủ tịch G20 cho Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố cho biết thêm rằng các ngân hàng trung ương cũng sẽ lưu ý đến sự cần thiết phải hạn chế hiệu ứng lan tỏa, nhằm đáp lại những lo ngại của các nền kinh tế mới nổi về nguy cơ thất thoát nguồn vốn nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.

Về vấn đề lạm phát, tuyên bố chung nêu rõ các ngân hàng trung ương cần tránh phản ứng thái quá trước sự gia tăng tạm thời tỉ lệ lạm phát. Các nhà lãnh đạo G20 cũng kêu gọi các chính phủ chỉ nên cung các khoản hỗ trợ "tạm thời và có mục đích" cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người đặc biệt dễ bị tổn thương khi chi phí sinh hoạt tăng cao.

Lạm phát tăng mạnh và đột ngột, do chi phí hàng hóa và nhiên liệu tăng, khiến nhiều ngân hàng trung ương mất cảnh giác và buộc họ phải chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ nhanh chóng. Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải chống lạm phát bằng tăng lãi suất, vừa phải nỗ lực làm dịu nền kinh tế vốn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh đã làm rung chuyển thị trường tài chính khi khiến đồng USD tăng giá đáng kể. Điều này khiến một số quốc gia, chẳng hạn như Nhật, phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của đồng nội tệ. Trong tuyên bố chung, các thành viên G20 đã tái khẳng định cam kết tránh để tiền tệ biến động quá mức.

Khí hậu

Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C và nhận thấy sự cần thiết phải tăng tốc nỗ lực giảm dần việc sử dụng than trong thời gian tới, theo Reuters.

"Nhận thức được vai trò lãnh đạo của mình, chúng tôi tái khẳng định các cam kết trong việc theo đuổi mục tiêu của UNFCCC (Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu) nhằm giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách tăng cường thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận Paris cũng như mục tiêu về nhiệt độ của thỏa thuận này" - trích tuyên bố.

"Chúng tôi quyết tâm theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Điều này sẽ đòi hỏi các hành động và cam kết có ý nghĩa và hiệu quả của tất cả các quốc gia", - tuyên bố G20 có đoạn.

Tuyên bố G20 kêu gọi các đại biểu tại COP27 "khẩn trương mở rộng" các nỗ lực tại hội nghị thượng đỉnh về vấn đề giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nó cũng đề cập đến sự cần thiết phải đẩy nhanh "những nỗ lực hướng tới việc giảm sử dụng năng lượng than, phù hợp với hoàn cảnh quốc gia".

Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia phát triển thực hiện cam kết cung cấp 100 tỉ USD mỗi năm cho các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Chiến sự Nga-Ukraine

Các nhà lãnh đạo G20 lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt, Reuters đưa tin.

“Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những yếu kém hiện có trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính" - trích tuyên bố.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng cho biết trong tuyên bố rằng việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là "không thể chấp nhận được". "Điều cần thiết là phải duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương để bảo vệ hòa bình và ổn định. Điều này bao gồm bảo vệ tất cả các mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương LHQ và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế" - tuyên bố chung viết.

Tuyên bố cũng thừa nhận “có những quan điểm và đánh giá khác biệt về tình hình Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt”, và lưu ý rằng G20 "không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh".

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo đã chính thức bàn giao chức Chủ tịch G20 cho Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm