Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng

Ngày 12-12 tới đây, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, sẽ được tổ chức.

Đây là hội nghị nhằm tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong bảy năm qua, từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương được tổ chức lại theo mô hình mà Tổng Bí thư là Trưởng ban vào năm 2013. 

Đây cũng là sự kiện đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) triệu tập, tổ chức, với phần tập trung tại Hội trường Bộ Quốc phòng cùng hơn 600 đại biểu tham dự.

Thành phần tham dự gồm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Chỉ đạo tổng kết công tác PCTN; thủ trưởng các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư cùng Trưởng ban Nội chính các tỉnh, thành ủy.

Ngoài ra còn có Giám đốc Công an, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND các tỉnh thành; và đại diện lãnh đạo các đơn vị có chức năng PCTN cũng như đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc cấp ủy, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương về công tác PCTN.

Từ Hội trường Bộ Quốc phòng, hội nghị sẽ được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu 63 tỉnh, thành và các Bộ Tư lệnh cấp quân khu.

Thành phần tham dự sẽ gồm các lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các cơ quan có chức năng PCTN ở địa phương và lãnh đạo, cán bộ các Bộ Tư lệnh cấp quân khu – tổng cộng gần 4.500 người.

Như vậy, với quy mô hơn 5.000 đại biểu tham dự, hội nghị này sẽ bao gồm tất cả các lãnh đạo cao nhất từ Trung ương tới địa phương, mà công việc có liên quan tới công tác PCTN, vốn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cho biết sự kiện này diễn ra trong một buổi sáng nhưng tổ chức quy mô lớn để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn xã hội, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN trong giai đoạn tới.

Mốc năm 2013 được tính theo thời điểm Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN được chuyển đổi mô hình từ Ban Chỉ đạo do Quốc hội thành lập, với Thủ tướng là Trưởng ban, sang Ban Chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập, do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban.

Cùng với đó là tái lập Ban Nội chính Trung ương, tiếp nhận Văn phòng Ban Chỉ đạo trước đây và Ban Nội chính Trung ương làm Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, đồng thời lập Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy làm cơ quan tham mưu cho cấp ủy địa phương trong công tác nội chính và PCTN.

Cung cấp thông tin cho đại diện các cơ quan báo chí tuần trước, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết chuẩn bị cho sự kiện này, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã lập Ban Chỉ đạo tổng kết công tác PCTN gồm 20 người.

Những người này gồm thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng – cũng là Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đứng đầu.

Ban Chỉ đạo tổng kết đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tổng kết trên phạm vi cả nước, từ cấp xã trở lên. Để đảm bảo khách quan, một cuộc điều tra dư luận xã hội về PCTN cũng được Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, cung cấp dữ liệu xã hội học cho công tác tổng kết. Đến nay, 124 cấp ủy, tổ chức đảng đã hoàn thành báo cáo.

Ban Nội chính Trung ương đã tổng hợp, dự thảo báo cáo tổng kết, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Báo cáo này đã được chuyển, xin ý kiến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, hoàn thiện trước khi Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trình bày tại Hội nghị toàn quốc hôm tới.

Cũng trong sự kiện đặc biệt lớn dành cho công tác PCTN này, trước khi các đầu cầu trên cả nước nghe kết luận quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sẽ có phần khen thưởng cấp Nhà nước với gần 60 tập thể và hơn 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN thời gian qua.

Một phim tài liệu về công tác PCTN cũng được sản xuất để trình chiếu trong dịp này.

Chống tham nhũng: Không có vùng cấm, kể cả với cán bộ cấp cao
Chống tham nhũng: Không có vùng cấm, kể cả với cán bộ cấp cao
(PLO)- “Công tác chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là kiên quyết không có vùng cấm, kể cả là cán bộ cấp cao của Nhà nước; cả quân đội, công an đều đã có những người đã bị xử lý theo quy định” - đại biểu Quốc hội Lâm Quang Đại nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm