Hơn 1300 công chức, viên chức Bộ Tài chính nghỉ việc trong 3 năm

(PLO)- Người trẻ, tài năng, tâm huyết, muốn cống hiến sẵn sàng ra khỏi khu vực nhà nước thì việc chất lượng thể chế cho ngành, cho đất nước phát triển là điều trăn trở.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Nội vụ về tình hình công chức, viên chức thôi việc theo yêu cầu từ Bộ Nội vụ vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính từ năm 2020 đến gần đây, Bộ Tài chính đã có hơn 1.330 công chức, viên chức xin thôi việc, trong đó công chức, hợp đồng nghỉ việc đến gần 1.100 người. Trong các đơn vị, Tổng cục Thuế có số lượng công chức, viên chức xin thôi việc cao nhất, gần 750 người.

Nếu tính từ 1-7-2022 đến 30-4-2023, số lượng công chức xin nghỉ việc đã gần 430 người.

Theo Bộ Tài chính, khi nghỉ việc, công chức, viên chức đều nêu lý do về hoàn cảnh gia đình, năng lực, trình độ, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc. Đối với viên chức trong khối giáo dục - đào tạo - bồi dưỡng, còn có lý do yêu cầu trình độ học vị tiến sĩ.

Một số viên chức là giảng viên nhận thấy khó hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh dẫn đến khả năng thăng tiến bị hạn chế nên tìm cơ hội khác. Chính sách thu hút nhân lực của lĩnh vực giáo dục trong ngành tài chính chưa hấp dẫn, chưa tạo được động lực cho các cán bộ, giảng viên trẻ có trình độ cao.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính cho hay đơn vị đã quan tâm, động viên, tăng cường gặp gỡ công chức, viên chức để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cũng như cải thiện môi trường làm việc, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để công chức, viên chức học tập, nâng cao trình độ, năng lực làm việc.

Theo Bộ Tài chính, dù chế độ lương đã được cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với khối lượng công việc, trách nhiệm của công chức, viên chức, chưa giải quyết cơ bản cuộc sống. Trong khi đó, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước sẵn sàng có mức đãi ngộ cao hơn cho những người có trình độ, làm việc hiệu quả.

Đây là tình hình chung khi nhân sự trong một số lĩnh vực chuyên môn cao đang được các doanh nghiệp thu hút với các mức lương, thưởng, đãi ngộ tốt hơn khu vực hành chính nhà nước.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, dù tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức đã có thay đổi nhưng chủ yếu là “định tính”, dẫn đến việc đánh giá có nơi, có lúc chưa công bằng, thiếu khách quan.

Cũng như chưa có cơ chế, chính sách động viên kịp thời cho công chức, viên chức có cống hiến, đóng góp nhiều cho đơn vị. Những điều này là nguyên nhân khiến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc cao.

Vì vậy, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc trong ngành tài chính chưa có dấu hiệu giảm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo ngành tài chính nhận định: “Đây là dấu hiệu đáng lo ngại. Bởi vì khi những người trẻ, tài năng, tâm huyết, muốn cống hiến sẵn sàng bước ra khỏi khu vực nhà nước thì việc chất lượng thể chế cho ngành, cho đất nước phát triển là điều đáng trăn trở”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm