Nguyên do của việc mua tên và “mượn hồn” xuất phát từ các ông chủ đội bóng nhắm đất vàng ở TP.HCM hoặc dự án và đầu tư để đổi cơ chế hoặc được tạo những điều kiện thuận lợi. Kết quả là đất vàng thì bốc hơi, dự án bất thành, rồi những ông chủ đấy buông luôn đội bóng làm người hâm mộ thất vọng cùng cực.
Từ những chuyện làm ăn ngoài bóng đá và sang tên đổi chủ, đổi hộ khẩu đấy mà VFF đã bổ sung quy chế bóng đá chuyên nghiệp từ năm 2015 với quy định các CLB không được chuyển giao và đổi tên vào giữa mùa. Hôm qua bỗng nổi lên thông tin CLB Hà Nội trong quãng nghỉ giữa hai giai đoạn sẽ chuyển “hộ khẩu” vào TP.HCM đổi tên Sài Gòn FC và chọn sân Thống Nhất làm sân nhà (lãnh đạo đội Hà Nội cũng xác nhận tin này).
Chuyện trên nếu có thì ngoài việc ông chủ CLB Hà Nội muốn thì phía TP.HCM mà đặc biệt là LĐBĐ TP.HCM phải gật đầu. Tuy nhiên, nhiệm kỳ mới LĐBĐ TP.HCM đã xác định lộ trình lên chuyên nghiệp bằng nền tảng trẻ với con người của TP.HCM và mang đặc thù bóng đá TP.HCM thì mới bền lâu và được ủng hộ toàn diện. Thế thì việc đội Hà Nội sẽ đổi tên là Sài Gòn và chuyển khẩu vào TP.HCM là do đâu?
Một thành viên của bóng đá TP.HCM chia sẻ đó không phải là chủ trương của LĐBĐ TP.HCM nhưng nếu là chủ trương ở trên thì… chịu vì áo mặc sao qua khỏi đầu. Thành viên này cũng cho biết việc làm đấy cũng giống như trước đây các đội Quân khu 4 chuyển đổi sang NaviBank Sài Gòn hay Xuân Thành Hà Tĩnh biến thành Sài Gòn Xuân Thành và đó là việc của “người lớn” mà bóng đá chỉ là công cụ để làm ăn.
Hy vọng là ý tưởng biến CLB Hà Nội thành đội Sài Gòn FC và sân Thống Nhất sẽ sáng đèn trong giai đoạn tới chỉ là chuyện bàn trên bàn và là chuyện làm ăn của “người lớn” khi chưa hiểu, chưa thông quy chế bóng đá mới.
Nghe thông tin trên lại thấy thương cho bầu Tú cũng là chủ tịch LĐBĐ TP.HCM vì lộ trình ông tính đang thực hiện một cách căn cơ với người Sài Gòn làm đẹp và làm tự hào cho bóng đá Sài Gòn thì đùng một cái tái hiện cảnh “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.