Hôm nay, 24-11, thế giằng co giữa cảnh sát bao vây bên ngoài và người biểu tình (đa phần là sinh viên) cố thủ bên trong Trường ĐH Bách khoa bước sang ngày thứ tám.
Những ngày qua mỗi ngày có một vài sinh viên rời trường, chấp nhận bị cảnh sát bắt. Tính tới thời điểm này vẫn còn một nhóm nhỏ sinh viên cố thủ trong trường.
Theo SCMP, sinh viên rời trường sáng sớm nay là một sinh viên học năm ba, 20 tuổi. Người trực tiếp vào trường dắt tay sinh viên này ra khỏi trường là một doanh nhân tên Lew Mon-hung có quan điểm chính trị gây nhiều tranh cãi.
Doanh nhân Lew Mon-hung có quan điểm chính trị gây nhiều tranh cãi. Ảnh: SCMP
Ông Lew 70 tuổi thường được biết đến với tên gọi “Gấu mơ mộng” là một doanh nhân Hong Kong, là cựu Phó Chủ tịch và cựu Giám đốc Điều hành công ty thăm dò và khai thác dầu khí Pearl Oriental Oil Limited.
Với quan điểm ủng hộ chính phủ đại lục, ông Lew từng đại diện Hong Kong là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc trong thời gian từ năm 2008-2013 và từng ủng hộ ông Lương Chấn Anh trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong năm 2012.
Quan hệ của ông Lew với ông Lương xấu đi sau đó, ông Lew cáo buộc ông Lương không giữ lời hứa hỗ trợ mình trong chính trị. Năm 2016, ông Lew đi tù 18 tháng sau khi viết thư yêu cầu ông Lương ngăn Ủy ban Điều tra Tham nhũng Độc lập điều tra ông.
Thời gian sau này ông Lew dần chỉ trích hơn chính quyền Hong Kong và cả một số chính sách của chính phủ đại lục. Ông Lew từng tham gia cuộc tuần hành tháng 7-2014 phản đối sách trắng mang tính tranh cãi của chính phủ đại lục về sự tự trị của Hong Kong.
Ông Lew nói ông vào Trường ĐH Bách Khoa “như một công dân lo lắng về tình hình”, sau khi được cảnh sát cho phép. Ông Lew nói đi cùng với ông vào trường còn có một nhóm người nữa gồm cả các nhân viên tình nguyện sơ cứu y tế ban đầu để tìm, sơ cứu, hỗ trợ các sinh viên bên trong và đưa họ ra ngoài. Nhưng ông Lew và nhóm người đi cùng chỉ tìm thấy một nam sinh viên 20 tuổi.
Theo lời ông Lew, nam sinh viên này có vẻ “buồn và bối rối”, có vẻ là một “con cáo đơn độc” đang tự cô lập mình với các sinh viên khác còn trong trường để tránh làm tâm trạng mình tồi tệ hơn.
“Cậu ấy không có vẻ chống đối gì hay bực mình.. nhưng cậu ấy có vẻ cực kỳ mệt mỏi” – ông Lew nói với báo chí về thời điểm ông gặp sinh viên này trong trường.
Ông Lew Mon-hung, một doanh nhân Hong Kong dắt tay một sinh viên 20 tuổi rời khỏi Trường ĐH Bách Khoa sáng sớm 24-11. Ảnh: SCMP
Sau khi ra khỏi trường, sinh viên này được xe cảnh sát đưa đi. Theo lời ông Lew, ông từng giúp tập hợp một nhóm người tình nguyện vào trường tối 21-11 và thuyết phục được 21 sinh viên ra ngoài.
Ông Lew nói ông đoán hiện còn ít nhất ba người nữa trong trường sau khi nhìn thấy một thông điệp trên một màn hình vi tính cám ơn các nỗ lực vào trường tìm kiếm họ. Một nhân viên tình nguyện nói theo tính toán của ông thì số sinh viên còn lại trong trường không quá 10 người, nhưng điều nan giải là nhóm sinh viên này không có kế hoạch ra khỏi trường.
Quang cảnh như chiến trường xung quanh Trường ĐH Bách Khoa đầu tuần này, thời điểm thế bao vây giằng co giữa cảnh sát và sinh viên bên trong cao đỉnh điểm. Ảnh: SCMP
Theo SCMP, số sinh viên này vẫn được cung cấp thực phẩm từ bên ngoài, như bánh quy, mì ly, lương khô. Các sinh viên cũng có lều, nệm, gối để giữ ấm.
Hơn 1.000 người đã rời khỏi trường trong những ngày qua. Khoảng 300 người dưới 18 tuổi được tự do về nhà, số còn lại trên 18 tuổi bị bắt.