Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết bước đầu tiên để mang lại hòa bình cho Ukraine là ngăn chặn việc hai bên gây thương vong lẫn nhau và thiết lập lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt, đài RT đưa tin.
Theo ông, việc phương Tây ngưng cung cấp vũ khí cho Ukraine là một phương pháp khả thi để đạt được hòa bình. Khi được hỏi tại sao Hungary từ chối gửi vũ khí cho Kiev, ông Szijjarto đã chỉ ra những hậu quả tàn khốc của chiến tranh và vũ khí của phương Tây chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột.
Ông Szijjarto tuyên bố rằng Hungary, trái ngược với các nước châu Âu khác, coi ưu tiên hàng đầu trong cuộc xung đột Ukraine là "ngừng gây chết người" và gợi ý rằng cách duy nhất để đạt được điều đó là các bên tham gia hòa đàm.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: TASS |
Ông cũng lưu ý rằng các giải pháp được đưa ra ở châu Âu “đơn giản là không hiệu quả”, gồm cả các biện pháp trừng phạt. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt không mang lại giải pháp cho xung đột, không làm cho chiến tranh bớt khắc nghiệt, và cũng không hề khiến Nga nhượng bộ. Tuy nhiên, theo ông, chúng lại khiến châu Âu thiệt hại.
Vị quan chức cũng cho rằng việc giải quyết cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Mỹ, theo hãng thông tấn TASS.
"Chúng tôi hoan nghênh các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Nga về Kiev. Thật tuyệt nếu họ có nhiều thời gian hơn để nói chuyện. Với vài phút họ có, thật khó để thảo luận về con đường dẫn đến một giải pháp lâu dài ở Ukraine” - Bộ trưởng nói. Ông đề cập cuộc trao đổi ngắn giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong cuộc họp ngoại trưởng các nước G20 tại Ấn Độ vào ngày 2-3.
Ông cũng cho biết rằng hầu hết các nước ủng hộ việc thiết lập hòa bình ở Ukraine càng sớm càng tốt. "Hòa bình đòi hỏi các cuộc hòa đàm, và để điều này xảy ra, chúng ta phải giữ cho các kênh liên lạc luôn mở" - Bộ trưởng lưu ý.
Bình luận của ông Szijjarto được đưa ra sau khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tháng trước tuyên bố rằng "cách duy nhất" để đảm bảo "hòa bình lâu dài và công bằng" ở Ukraine là tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev. Moscow đã nhiều lần chỉ trích các lô viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine, lập luận rằng điều đó chỉ nhằm kéo dài cuộc chiến và về cơ bản là khiến các nước NATO tham gia vào xung đột.