Tăng trưởng GDP toàn cầu chậm lại còn 3,2% trong năm 2022, so với mức dự báo 3,6% hồi tháng 4. IMF dự báo mức tăng trưởng của Mỹ trong năm 2022 là 2,3%, Trung Quốc là 3,3%, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và Nga lần lượt là 2,6% và -6%.
Tỉ lệ lạm phát năm 2022 ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ lên mức 6,6% và tình trạng lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài. Lạm phát năm nay ở các nước đang phát triển sẽ ở mức 9,5%, tăng từ 8,7% dự báo hồi tháng 4. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao, khiến tình hình kinh tế quốc tế trở nên biến động khó đoán và tiền tệ có nguy cơ mất giá nghiêm trọng.
IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 2,9%, so với mức ước tính 3,6% của tháng 4. Ở kịch bản Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu và giảm 30% sản lượng dầu xuất khẩu, IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ còn 2,6% trong năm 2022 và 2% vào năm 2023. Trong khi đó, mức tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu năm 2023 gần như bằng 0.
IMF cho rằng việc kiểm soát lạm phát nên là ưu tiên hàng đầu, vì ổn định giá cả là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế ổn định và tăng trưởng bền vững. Các nước không nên đầu cơ lương thực và năng lượng, thay vào đó tìm cách nới lỏng rào cản thương mại để giúp giá cả thị trường bình ổn trở lại.