Indonesia dành ngân sách hơn 800 triệu USD tăng cường an ninh phía nam Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài CNN Indonesia ngày 28-9 đưa tin chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ dành ngân sách đề xuất khoảng 852,8 triệu USD cho năm 2022 cho việc tăng cường an ninh hàng hải ở vùng biển quanh quần đảo Natuna, bao gồm việc mua sắm máy bay không người lái và phát triển cơ sở hạ tầng mới.

Ngân sách đề xuất này được đưa ra căn cứ trên Nghị định 85 năm 2021 của Tổng thống về kế hoạch hoạt động của chính phủ cho năm 2022.

Thành viên thuộc Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia quan sát tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Natuna. Ảnh: BAKAMLA

Tài liệu chỉ ra rằng một trong những nỗ lực củng cố tại khu vực Natuna là thông qua việc mua máy bay không người lái (UAV) hoặc drone. 

Chính phủ cũng sẽ tăng cường các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo chiến lược.

“Việc tăng cường an ninh hàng hải ở Natuna nhằm tăng khả năng răn đe và củng cố chủ quyền trong vùng biển Natuna; giảm thiểu các hoạt động cướp biển, bạo lực và tội phạm trên biển, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và tội phạm xuyên quốc gia" - CNN trích dẫn tài liệu đính kèm Nghị định số 85 năm 2021 của Tổng thống.

"Việc thực hiện kế hoạch được tài trợ từ Dự luật Ngân sách nhà nước (APBN) với mức tài trợ trong năm năm lên tới 852,8 triệu USD" - CNN trích tài liệu trên đưa tin.

Chính phủ Indonesia cho biết ngân sách được sử dụng để đáp ứng 40,59% trang bị chính cho hệ thống vũ khí của Hải quân Indonesia ở Natuna, cũng như để đáp ứng 44,17% trang bị an ninh hàng hải thuộc Cơ quan An ninh Hàng hải (Bakamla).

Chính phủ đã nêu một số lý do để tăng cường an ninh ở Natuna, chẳng hạn nguy cơ leo thang gia tăng và sự yếu kém của hệ thống an ninh hàng hải. 

Chính phủ hy vọng rằng việc tăng cường an ninh có thể giúp duy trì chủ quyền ở vùng biển Natuna.

"Kết quả / tác động : Không vi phạm quyền tài phán ở khu vực biển Natuna" - tài liệu nêu rõ.

Ngoài ra, Bakamla còn thiếu các nguồn lực để đảm bảo chủ quyền trong vùng biển này, khi không có đủ phi đội máy bay hoặc nhiên liệu để thực hiện nhiệm vụ.

"Cho đến nay, chúng tôi thậm chí không có nhiên liệu. Các tàu của chúng tôi đã sẵn sàng ra khơi và tuần tra, nhưng không có nhiên liệu" - ông Laksda S. Irawan, một quan chức thuộc Bakamla, cho biết trong một cuộc họp điều trần (RDP) với Ủy ban I (Quốc phòng, Đối ngoại và Thông tin) của Hạ viện hôm 13-9. 

Trước đó, hải quân Indonesia hôm 17-9 đã tăng cường tuần tra xung quanh các đảo thuộc quần đảo Natuna ở Biển Đông ở sau khi các tàu Trung Quốc và Mỹ di chuyển trong vùng biển quốc tế ở gần đó.

Hồi năm 2017, Indonesia đã đổi tên vùng biển phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông là biển Bắc Natuna, như một phần của việc đẩy lùi tham vọng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc.

Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền với quần đảo Natuna - phía nam Biển Đông - nhưng nói rằng họ có quyền đánh cá gần đó trong "đường chín đoạn" mà nước này tự ý vẽ ra với tham vọng độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường chín đoạn” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm