Indonesia tính triển khai thêm 'tai, mắt' tại phía nam Biển Đông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài CNN Indonesia đưa tin Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia ngày 17-9 thừa nhận rằng họ đang đề xuất một chương trình xây dựng một lực lượng tương tự Lực lượng Dự bị Vũ trang (Komcad) nhưng thành phần là các ngư dân.

Mục đích của chương trình này nhằm đưa ngư dân vào tham gia canh gác ở những khu vực bất ổn, chẳng hạn biển Bắc Natuna.

Thành viên thuộc Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia quan sát tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Natuna. Ảnh: BAKAMLA

Khi được hỏi về Komcad trong môi trường biển, Đại tá Wisnu Pramandita – trưởng phòng quan hệ công chúng của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia – hôm 17-9 cho biết tên của lực lượng này là Ngư dân quốc gia Indonesia (NNI).

"Chương trình này vẫn đang được biên soạn, sau đó chúng tôi sẽ chuyển nó đến các cơ quan liên quan" - ông Pramandita nói.

Theo ông Pramandita, chiến lược này không thể tách rời khỏi các nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện của lực lượng Indonesia trong vùng lãnh hải, đặc biệt là khu vực quần đảo Natuna.

“Điều này đòi hỏi phải có lực lượng tại khu vực” – ông Pramandita nói thêm.

Ông Pramandita cho biết những ngư dân này sẽ được giao nhiệm vụ theo dõi, thu thập thông tin, song song với việc đánh bắt thủy sản và vẫn được Nhà nước trả lương như lực lượng Komcad.

"Mục tiêu là thông tin và việc các tàu tập trung [tại khu vực]. Tất nhiên, trong khi đánh bắt cá cũng vậy. Điều này có nghĩa là họ sẽ nhận được chế độ, được ra khơi, thu thập thông tin, cũng như đánh bắt cá. Nếu họ kiếm được [cá] và bán đi, kết quả cuối cùng vẫn thuộc về họ" – ông Pramandita nói.

Trong giai đoạn đầu, ông Pramandita cho biết đã đề xuất tuyển mộ 100 ngư dân vào NNI cho Bộ Quốc phòng.

"Giai đoạn ban đầu có thể có khoảng 100 người. Mỗi tàu có trung bình 25 [người], vì vậy có thể nói rằng bốn tàu đã được chuẩn bị" - ông Pramandita nói.

Ông Pramandita nói thêm rằng các ngư dẫn sẽ được triển khai vào các khu vực “nóng”, hiện đang ưu tiên khu vực quần đảo Natuna.

Khi được hỏi về cơ sở pháp lý để thực hiện chương trình, ông Pramandita thừa nhận rằng họ vẫn đang hoàn thiện các cuộc thảo luận về khái niệm, sau đó sẽ trình bày với Bộ Quốc phòng trong thời gian tới.

Theo ông, cơ sở pháp lý là Luật số 23 năm 2019 liên quan Quản lý tài nguyên quốc gia cho quốc phòng (UU PSDN).

"Chương trình vẫn đang được biên soạn. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ trình bày với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng [Muhammad Herindra]" – ông Pramandita nói.

“Mục tiêu là có sự tương đồng về cách thức quản lý, người đào tạo, người cấp vốn, người cung cấp ngư cụ” – ông Pramandita nói thêm.

Theo CNN, chương trình Komcad đã được tổ chức giai đoạn đầu với việc tuyển chọn 2.500 người tham gia sau đó được đào tạo tại một số Trung đoàn Chỉ huy Quân sự Vùng (Rindam).

Luật PSDN, là cơ sở để thực hiện Komcad, hiện vẫn đang trong giai đoạn xem xét tư pháp tại Tòa án Hiến pháp.

Theo hãng tin Reuters ngày 17-9, hải quân Indonesia đã tăng cường tuần tra xung quanh các đảo thuộc quần đảo Natuna ở Biển Đông sau khi các tàu Trung Quốc và Mỹ di chuyển trong vùng biển quốc tế ở gần đó.

Hồi năm 2017, Indonesia đã đổi tên vùng biển phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông là biển Bắc Natuna, như một phần của việc đẩy lùi tham vọng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc.

Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền với quần đảo Natuna - phía nam Biển Đông - nhưng nói rằng họ có quyền đánh cá gần đó trong "đường chín đoạn" mà nước này tự ý vẽ ra với tham vọng độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường chín đoạn” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm