Hãng Reuters đưa tin Văn phòng tổng thống Indonesia cho biết ngày 13-9 rằng Indonesia sẽ xem xét lại mức lương tối thiểu và các quy định khác về lao động. Động thái được đưa ra sau khi nhiều tổ chức công đoàn dẫn đầu các cuộc biểu tình trên cả nước phản đối việc chính phủ tăng giá nhiên liệu mặc dù mức thu nhập không tăng.
Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo đã tăng giá nhiên liệu lên 30% vào đầu tháng này để kiềm chế đà tăng của khoản ngân sách dành cho trợ cấp năng lượng. Việc này dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối của công nhân và sinh viên trên khắp cả nước.
Theo thông tin từ Văn phòng tổng thống Indonesia, Chánh văn phòng tổng thống - ông Heru Budi Hartono ngày 12-9 đã gặp gỡ các công nhân biểu tình tại dinh tổng thống ở thủ đô Jakarta để thảo luận về các yêu cầu của họ.
Người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng sau khi chính phủ thông báo tăng giá nhiên liệu tại một trạm xăng thủ đô ở Jakarta (Indonesia) ngày 3-9. Ảnh: AP |
Ông Heru cho biết các công nhân yêu cầu thay đổi công thức xác định mức tăng lương tối thiểu mà chính phủ đang áp dụng và yêu cầu sửa đổi Luật Tạo việc làm được thông qua vào năm 2020 vẫn còn gây tranh cãi ở quốc gia này.
Năm 2020, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp xứ sở vạn đảo để phản đối Luật Tạo việc làm bởi vì người lao động cho rằng luật này quá ưu ái chủ doanh nghiệp, tạo ra nhiều bất lợi cho người lao động.
Ông Heru cho biết giới chức Indonesia sẽ xem xét các yêu cầu của người lao động vào ngày 13-9.
Với việc lạm phát tăng vọt và nền kinh tế Indonesia vẫn đang chao đảo vì tác động của đại dịch COVID-19, mức lương tối thiểu năm 2022 ở Indonesia chỉ tăng trung bình 1,09% so với năm trước.
Ông Hermanto Ahmad - Tổng thư ký công đoàn KSPSI, một công đoàn tổ chức biểu tình phản đối tại thủ đô Jakarta, nói với Reuters rằng việc tăng giá nhiên liệu kéo theo sự tăng giá của các nhu yếu phẩm khác.
Ông Said Iqbal - Chủ tịch công đoàn KSPI, một công đoàn khác cũng tham gia tổ chức biểu tình, nói với Reuters ngày 13-9 rằng họ sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi chính phủ giảm giá nhiên liệu.