Iran gia nhập khối kinh tế do Nga-Trung dẫn dắt, kỳ vọng chống trừng phạt của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Iran - ông Ebrahim Raisi thông báo nước này đã được chấp thuận trở thành thành viên thứ chín của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hãng tin Al Jazeera cho hay.

Hy vọng của Iran khi gia nhập SCO

Ông Raisi cho biết trong hội nghị thượng đỉnh (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) do Tajikistan tổ chức hôm 17-9, tám thành viên của SCO là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Tajikistan, Uzberkistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan đã thông việc tư cách thành viên chính thức của Iran.

Iran hy vọng việc trở thành thành viên chính thức của SCO sẽ trở thành cú hích cho sự phát triển kinh tế đất nước và giúp ổn định tình hình khu vực. 

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Tajikistan hôm 17-9. Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh SCO, ông Raisi chủ yếu nhấn mạnh mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Tehran là mở rộng các mối liên kết chính trị, kinh tế và văn hóa với các nước trong khu vực và bảo vệ Iran trước các biện pháp cấm vận đơn phương của phương Tây.

“Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới. Chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa đơn phương đang thất bại. Cán cân quốc tế đang tiến tới chủ nghĩa đa phương và phân phối lại quyền lực vì lợi ích của các quốc gia độc lập” - ông Raisi nói.

Ông Raisi cáo buộc các hành động cấm vận của phương Tây là “khủng bố về kinh tế, bằng trừng phạt”, cho rằng sự thù địch này là rào cản đối với sự tiến bộ của cả khu vực. Do đó, Iran kêu gọi các thành viên SCO cùng phát triển cấu trúc và cơ chế tập thể chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Ông Raisi tự tin rằng vị trí địa chính trị, dân số, nguồn cung năng lượng, tiềm năng giao thông vận tải, nguồn nhân lực và văn hóa của Iran có thể trở thành “động lực đầy ý nghĩa” đối với các kế hoạch lớn của khu vực, trong đó có Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc.

Sau khi trở về từ Tajikistan hôm 18-9, ông Raisi nhấn mạnh rằng việc được kết nạp vào SCO là “một thành công về chiến lược và ngoại giao”, theo tờ The Straits Times.

Truyền thông Iran đồng lòng tán dương thành công của ông Raisi

Tờ Javan (Iran) ngày 18-9 giật dòng tít lớn “Iran hội nhập vào thị trường lớn nhất của phương Đông”. Trong bài, Javan nhấn mạnh rằng SCO là “một trong những biểu tượng chính cho sự hợp tác giữa các cường quốc không thuộc phương Tây” và mở ra cánh cửa cho kỷ nguyên mà Iran cho rằng sự ảnh hưởng của Mỹ suy giảm. 

Một người dân Iran đọc số báo ETALAAT ngày 18-9, trong đó dòng tít lớn là "Iran là thành viên mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải". Ảnh: AFP

Một tờ báo bảo thủ khác là Kayhan nhấn mạnh rằng việc Iran gia nhập SCO sẽ giúp “phá bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây”. Kayhan cho rằng từ bây giờ, Tehran có thể “thi hành chính sách đa phương” và giảm nhẹ tác động do các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Etemad - một tờ báo theo khuynh hướng cải cách, cũng chúc mừng cho thành công của ông Raisi - một lãnh đạo bảo thủ. Etemad cho rằng tư cách thành viên SCO sẽ cho phép Iran “kết nối với các thị trường” chiếm một phần đáng kể dân số thế giới.

Trước khi Iran gia nhập, SCO đã là một thị trường khổng lồ chiếm 40% dân số và hơn 20% tổng sản phẩm toàn cầu. Đây thực sự là một thị trường tiềm năng đối với Iran.

Là hai trong sáu nước sáng lập SCO, Nga và Trung Quốc là hai bên có tầm ảnh hưởng nhất khối kinh tế này. Ấn Độ và Pakistan đều được kết nạp vào năm 2017, đánh dấu sự thỏa hiệp giữa Moscow (ủng hộ New Delhi) và Bắc Kinh (ủng hộ Islamabad) về tư cách thành viên của hai quốc gia Nam Á vốn có quan hệ đối đầu này.

Iran đã tham gia SCO với tư cách là quốc gia quan sát viên trong suốt 15 năm qua. Từ năm 2008, nước này đã nộp đơn xin gia nhập SCO nhưng tiến trình đàm phán bị ảnh hưởng do vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Năm ngoái, chính Tajikistan là nước phản đối Iran gia nhập nhưng năm nay, quyết định đã nhận được sự đồng thuận của cả tám nước thành viên cũ.

Sau khi Iran gia nhập, SCO vẫn còn ba quốc gia quan sát viên là Afghanistan, Belarus và Mông Cổ. Sáu nước đối tác đối thoại là Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm