Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc Washington là “cướp biển quốc tế” khi chống lại Tehran bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Tehran sẽ không bao giờ đàm phán với một kẻ thù tìm cách dùng sự nghèo đói để khiến Iran đầu hàng” - ông Rouhani phát biểu. “Hãy dừng các lệnh trừng phạt để mở đường cho việc đàm phán”.
Phần phát biểu của Tổng thống Iran được truyền hình trực tiếp đến hơn 80 triệu dân quốc gia này. Ảnh: AP
Theo AP, ông Rouhani còn chỉ ra rằng cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, Iraq và Syria đã thất bại, Washington không thể giải quyết các vấn đề phức tạp hơn và “gây khó chịu cho Trung Đông”.
“An ninh sẽ không được hỗ trợ với vũ khí và sự can thiệp của Mỹ. Và an ninh cũng không thể được mua bán hay hỗ trợ từ chính phủ nước ngoài” - ông nhấn mạnh.
“Khu vực của chúng tôi đang trên bờ vực sụp đổ, vì một sai lầm đơn lẻ có thể làm bùng đám cháy lớn” - ông Rouhani bày tỏ quan ngại và khẳng định nếu Mỹ rút quân, khu vực này sẽ trở nên an toàn hơn, theo AP.
Ngoài ra, trong phần lớn thời gian bài phát biểu, ông Rouhani nói với các quốc gia láng giềng Iran rằng số phận của họ đang gắn liền với nhau.
"Hàng xóm là trước hết, sau đó mới đến quốc gia” - tổng thống Iran khẳng định. “Chúng tôi là hàng xóm với nhau chứ không phải với Mỹ”.
Iran cũng đề xuất về một “Liên minh Hy vọng” hoặc “Sáng kiến Hòa bình Hormuz” sẽ được hình thành với sự tham gia của các quốc gia Trung Đông dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Tổng thư ký Antonio Guterres chào đón tổng thống Iran tại kỳ họp lần thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh: AP
Trước đó, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng áp lực kinh tế lên Iran đến chừng nào Tehran đồng ý từ bỏ theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng cũng để ngỏ khả năng tham gia đàm phán ngoại giao với Iran, theo AP.
Về điều này, khi kết thúc bài phát biểu, ông Rouhani cũng đề nghị “vẫn còn chỗ cho ngoại giao” nhưng khẳng định: “Hãy trở lại để có công lý, hòa bình, luật pháp, cam kết và lời hứa và cuối cùng là đến bàn đàm phán”.