Kabul bất ổn, WHO tìm nơi lập cầu không vận hỗ trợ y tế cho Afghanistan

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các nguồn cung sản phẩm y tế tại Afghanistan sẽ cạn kiệt trong vài ngày tới và mong muốn nhanh chóng lập một cầu không vận tại TP Mazar-i-Sharif ở phía bắc nước này, hãng tin Reuters cho hay.

WHO cho biết các dụng cụ chẩn đoán, vật tư dùng cho cấp cứu và thuốc điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em là những sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ cho Afghanistan - quốc gia có hơn 18 triệu người đang phụ thuộc vào các nguồn cứu trợ y tế.

Ông Rick Brennan, một lãnh đạo cấp cao tại chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng trong khi nguồn vật tư y tế giảm nhanh, “điều vẫn chắc chắn là nhu cầu nhân đạo là rất lớn và đang gia tăng”. 

Người dân TP Kabul tập trung ngoài bệnh viện của 1 tổ chức nhân đạo nước ngoài tìm kiếm người thân bị thương trong 2 vụ đánh bom hôm 26-8. Ảnh: AFP

Ông Brennan cũng nhắc tới vụ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul hôm 26-8 - vụ việc do một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm. Một vụ đánh bom khác xảy ra sau đó tại một khách sạn cũng trong TP Kabul.

Bộ Y tế công cộng Afghanistan cho biết vụ nổ khiến hơn 90 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của bộ này nói với đài CNN rằng số người chết lên tới hơn 170. Còn ông Brennan nói rằng hơn 200 người bị thương đã được đưa tới cứu chữa tại các cơ sở y tế ở Kabul, trong đó ít nhất một bệnh viện do một tổ chức nhân đạo nước ngoài điều hành đang cạn kiệt vật tư y tế.

Tại Kabul, lực lượng của Mỹ đang nắm quyền kiểm soát không lưu. Tuy nhiên, Taliban yêu cầu Mỹ phải chấp dứt chiến dịch di tản và rời khỏi sân bay Kabul sau ngày 31-8. Taliban đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ vận hành sân bay này sau khi Mỹ rút quân, song Ankara chưa có thông báo chính thức. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 27-8 nói rằng hai bên vẫn đang đàm phán.

Ông Brennan nhấn mạnh rằng “một trong những vấn đề mà chúng ta gặp phải ở Afghanistan hiện tại là không có cơ quan quản lý hàng không dân dụng nào hoạt động”. Do đó, WHO đang thảo luận với Pakistan để xem xét mở cầu không vận tại sân bay Mazar-i-Sharif vì Islamabad có các đầu mối liên lạc ở TP lớn thứ tư Afghanistan nhằm xây dựng các quy trình cần thiết cho tuyến vận tải hàng cứu trợ mới.

Ông Brennan cũng chỉ ra một khó khăn khác là giá bảo hiểm hàng không ở Afghanistan đã tăng vọt tới mức “chưa từng thấy” trong vòng chỉ 12 giờ sau vụ đánh bom ở sân bay Kabul.

Ông Brennan hy vọng rằng các vấn đề sẽ được giải quyết và cầu không vận tại sân bay Mazar-i-Sharif sẽ có thể bắt đầu hoạt động sau chỉ 48 đến 72 giờ.

Cũng theo quan chức WHO này, 97% trong số các cơ sở y tế do WHO giám sát ở Afghanistan vẫn hoạt động, song nhiều nhân viên y tế, nhất là các nữ hộ sinh, y tá và bác sĩ, đã bỏ việc và tìm cách rời khỏi đất nước. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm