Con đường Liverpool, nơi phát hiện mồ chôn tập thể Bedlam, nằm trong chuỗi hệ thống đường sắt Crossrail xuyên thủ đô của nước Anh. Đây được xem là quần thể mộ chứa hơn 3.000 hài cốt được sử dụng trong hơn 170 năm, từ năm 1569 đến năm 1738, tức thời kì Cái chết Đen vì bệnh dịch hạch.
Các nhà khảo cổ đang làm việc trên khu vực dự tính trở thành nơi soát vé cho ga tàu Crossrail (Ảnh chụp từ The Independent)
Các nhà khoa học hi vọng nghĩa trang này sẽ hé lộ quá trình lây lan của bệnh dịch hạch thời kỳ đó. Những ghi nhận của lịch sử cho thấy khoảng 75.000 đến 100.000 người đã thiệt mạng vì đại dịch tại London, trong khi số dân lúc đó chỉ chừng 460.000 người, theo The Independent.
Khi khai quật, hài cốt đã bám chặt trong đất như rễ cây. Đó là lí do một nhóm khảo cổ gồm 60 người phải mất 6 ngày tiếp theo để tách những di hài đó ra khỏi lòng đất. Ngoài ra, họ còn phải khảo sát hiện trường, xem xét các cổ vật đã có từ thời thế kỉ 16, 17 và 18.
Khu mộ được thành lập vào năm 1569 (Ảnh chụp từ The Independent)
Người đứng đầu nhóm khảo cổ Jay Carver cho rằng Bedlam sẽ góp thêm tư liệu nghiên cứu lịch sử của “sự sống và cái chết ở vào thế kỉ 16 và nếp sống của người London” trong thế kỉ 17.
Không những vậy, khu di tích mới này còn tái hiện rõ thời kỳ chuyển giao thành thị từ khi dòng họ Tudor còn cai trị đến khi London bước vào những năm đầu của thời kỳ hiện đại hóa, BBC dẫn lời ông Carver.
Bedlam là mồ chôn thành thị của thủ phủ London thời xưa (Ảnh chụp The Independent)
Dự kiến việc thực địa ở địa điểm khai quật sẽ tiếp tục được triển khai trong 4 tuần nữa. Công tác đào bới qua khỏi lớp bùn đất trung cổ và những hiện vật thời La Mã để lại như móng ngựa và đồ gốm sứ vẫn còn tiếp diễn.
Có thể toàn bộ di hài người chết sẽ được chôn cất trở lại tại Essex, miền đông nam nước Anh.
Bộ xương trong hình là của một bà mẹ và đứa con (Ảnh chụp từ The Independent)
Nhà khảo cổ học chuyên phân tích hài cốt Niamh Carty cho biết độ tuổi, giới tính và dáng người cũng đang trong quá trình phân tích kỹ lưỡng.