Khảo sát chung Việt Nam-Philippines ở Biển Đông: 3 đề xuất thực tế

Tại cuộc gặp lần thứ 9 của Nhóm làm việc thường trực Việt Nam – Philippines về các vấn đề biển và đại dương (JPWG-MOC) diễn ra ngày 17-11-2021, hai nước đã thống nhất sẽ tái triển khai Chương trình khảo sát nghiên cứu khoa học biển và hải dương học chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS), sau khi chương trình này bị tạm dừng từ năm 2007.

Động thái này đã được những người ủng hộ ngoại giao khoa học trong khu vực hoan nghênh vì sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển ở Biển Đông. 

Hội nghị tổng kết kết quả 4 chuyến khảo sát JOMSRE-SCS được tổ chức năm 2008 tại Hạ Long. Ảnh: ASEAN REGIONAL FORUM

Bài viết này điểm lại lịch sử thực hiện sáng kiến này trong quá khứ và những thay đổi quan trọng đã diễn ra ở Biển Đông sau khi sáng kiến dừng lại và đưa ra một số đề xuất thực tế để JPWG-MOC có thể xem xét tại cuộc gặp sau.

Nhìn lại 10 năm triển khai Pha 1 của JOMSRE-SCS (1997-2007)

JOMSRE-SCS đã được cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh của Việt Nam và nguyên Tổng thống Fidel Ramos của Philippines thống nhất thực hiện năm 1994. Hai nước mong muốn thông qua hợp tác nghiên cứu khoa học biển để nâng cao tình hữu nghị và tăng cường kiến thức về tài nguyên, môi trường Biển Đông.

Trong khuôn khổ JOMSRE-SCS, bốn chuyến khảo sát đã được thực hiện từ năm 1997 đến năm 2007 ở nhiều vị trí khác nhau gần quần đảo Trường Sa. Năm 2008, Việt Nam và Philippines quyết định kết thúc Pha 1 của JOMSRE-SCS và thống nhất sẽ triển khai Pha 2 trong tương lai.

Các dữ liệu thu thập được đã giúp nâng cao sự hiểu biết về Biển Đông nói chung; đặc biệt là tình trạng đa dạng sinh học của vùng biển này. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi tình trạng san hô ở Trường Sa được đánh giá từ “tốt” tới “rất tốt”; tình trạng cá rạn thì rất đáng báo động. Theo thống kê, từ năm 1997 tới năm 2007, lượng sinh khối các loài cá rạn ở quần đảo Trường Sa đã suy giảm hai phần ba do tình trạng khai thác quá mức.

Mặc dù đây là một sáng kiến song phương, các nhà khoa học từ các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia thành viên của ASEAN, cũng được mời tham gia vào các chuyến khảo sát. Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm tham gia sáng kiến. 

Tàu khảo sát BRP Hydrographer Presbitero - một trong những tàu tham gia JOMSRE-SCS. Ảnh: NOAA.GOV

Khi Pha 1 của JOMSRE-SCS kết thúc, Việt Nam và Philippines cũng thống nhất rằng các cuộc khảo sát tương lai sẽ được mở rộng cho các quốc gia khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như Trung Quốc và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, các nỗ lực triển khai Pha 2 của chương trình vẫn chưa thành công.

2 diễn biến quan trọng cần được xem xét khi tái triển khai JOMSRE-SCS

Đầu tiên, hai bên cần xét tới phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016. Theo phán quyết, không thực thể nào của quần đảo Trường Sa có vùng biển vượt quá 12 hải lý. Hệ quả của việc này là sẽ tồn tại một vùng biển quốc tế nhỏ nằm ở Biển Đông, nằm giữa các vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam và bao phủ lên một số thực thể của Trường Sa.

Do đó, việc nghiên cứu khoa học biển trong khu vực này phải tuân thủ các quy định liên quan tới vùng biển quốc tế nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Thứ hai, Việt Nam và Philippines cần nhận thức rằng Biển Đông đang đối mặt với hai thách thức môi trường mới là biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Theo tính toán, độ chua của nước biển ở Biển Đông được dự đoán sẽ tăng từ 0.3 đến 0.35 độ pH vào cuối thế kỷ XXI. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phân bổ, phong phú và kích cỡ của các loài sinh vật biển ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực cũng rất đáng báo động. Một nửa khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển trên toàn cầu đến từ sáu quốc gia ven Biển Đông là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Các nhà khoa học cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu cần thiết để hiểu rõ hơn về các thách thức này của Biển Đông cũng như đề xuất giải pháp.

Các đề xuất thực tế cho JOMSRE-SCS 2.0

Bài viết đưa ra ba đề xuất thực tế mà JPWG-MOC có thể tham khảo nhằm tái triển khai chương trình hợp tác khảo sát biển JOMSRE-SCS, liên quan tới vị trí khảo sát, các bên tham gia và nội dung khảo sát.

Liên quan tới vị trí hợp tác khảo sát, các chuyến khảo sát tương lai có thể được triển khai ở các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và Philippines, cũng như ở tại vùng biển quốc tế ở phía nam Biển Đông nhưng tránh đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể nổi của quần đảo Trường Sa.

Lựa chọn này là phù hợp với cả UNCLOS và phán quyết của tòa trọng tài về Biển Đông. Đặc biệt, việc thực hiện các chuyến khảo sát ở vùng biển quốc tế sẽ giúp Việt Nam và Philippines tránh được các phức tạp do các quy định pháp luật quốc gia về hoạt động nghiên cứu khoa học của các tàu nước ngoài trong vùng biển của từng nước. 

Các chuyên gia Việt Nam và Philippines trên một chuyến khảo sát JOMSRE-SCS. Ảnh: ASEAN REGIONAL FORUM

Liên quan đến các bên tham gia khảo sát chung, nếu Brunei và Malaysia tham gia, vị trí của các chuyến khảo sát có thể mở rộng ra vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia này.

Với sự tham gia của Trung Quốc, các chuyến khảo sát có thể được thực hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở phía bắc Biển Đông, song cần tránh đi vào các lãnh thổ có tranh chấp như Hoàng Sa và bãi Macclefields (Đài Loan đang kiểm soát).

Thêm vào đó, các quốc gia ngoài khu vực Biển Đông có thể được mời tham gia khảo sát chung, đặc biệt là đối với các chuyến khảo sát ở vùng biển quốc tế. Từ góc độ pháp lý, vùng biển quốc tế được mở cho tất cả các quốc gia thực hiện nghiên cứu khoa học và từ góc độ thực tiễn, càng nhiều bên tham gia thì càng có nhiều sự hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, khảo sát.

Liên quan đến nội dung khảo sát, Việt Nam và Philippines có thể đưa vào chương trình khảo sát các hoạt động khảo sát giúp hiểu rõ hơn về hai thách thức môi trường mới là biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác thải nhựa. Kết quả của các chuyến khảo sát trong tương lai có thể giúp tìm ra giải pháp để giảm thiểu hoặc giải quyết hai vấn đề này.

Ví dụ, các bên có thể khảo sát để tìm hiểu về hậu quả của việc gia tăng độ chua của nước biển đối với các rạn san hô ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Hai nước cũng có thể khảo sát để tìm hiểu về mức độ ô nhiễm vi nhựa ở các vị trí khác nhau ở Biển Đông.

Như vậy, việc tái triển khai hoạt động hợp tác khảo sát giữa Việt Nam và Philippines sẽ là một cơ hội tốt để hiểu rõ hơn các đặc tính của Biển Đông cũng như các thách thức và vùng biển này đang phải đối mặt và từ đó, có thể đề xuất các giải pháp để giải quyết các thách thức này. Việc này cũng sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển trong khu vực, điều từ lâu đã được coi là một biện pháp xây dựng lòng tin rất hiệu quả giữa các quốc gia ven biển. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm