Người dân Hải Phòng không hiếm lần bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi nhưng phong độ, hiền từ thường đến các tụ điểm ma túy ở TP Hải Phòng. Người ta thấy ông nhặt kim tiêm và tỏ ra rất vui mừng, nói: “Người nghiện đã biết lo cho cộng đồng thế này là rất tốt! Họ dùng xong kim tiêm đã biết đóng nắp lại để những người xung quanh không giẫm phải”.
Đó là BS Ngô Việt Hùng (chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Hữu nghị Việt-Tiệp).
“Khi nào chán đời, hãy gọi tôi!”
Hiện số điện thoại 0904126342 là số mà hầu hết người nhiễm HIV ở Hải Phòng và các tỉnh, thành khác đều biết và gọi BS Hùng bất cứ lúc nào. Tôi gặp ông vào ngày cận tết âm lịch Bính Thân 2016. Khi đang nói chuyện với ông, có một chị dân tộc Thái gọi điện thoại cho ông kể về việc chị chuẩn bị đón một cái tết vui vẻ như thế nào. Chị là trường hợp ông gặp ở Nghệ An trong chuyến công tác cuối tháng 1 với tư cách là chuyên gia về kỹ thuật cho Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế 360 (FHI360 - Family Health International 360 - tổ chức của Hoa Kỳ) liên quan tới các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới.
Ông giải thích: “Tôi vô cùng ngạc nhiên là các bác sĩ trong đó không giao tiếp với bệnh nhân”. Chị dân tộc Thái này nhiễm HIV năm năm, có điều trị nhưng không hề tiến triển tốt lên. Chị nói: “Em chán đời, chỉ muốn chết thôi!”. Tôi cười: “Nếu em muốn chết thì em nói chuyện với anh xong rồi em chết cũng chưa muộn”. Rồi tôi ngồi cạnh, rót cho chị một cốc nước, đặt vào tay chị. Chị khóc như mưa. Tôi hỏi tại sao. Chị bảo: “Lâu lắm rồi, anh là người đầu tiên rót nước mời em”. Rồi chị kể về chuyện gia đình, về người chồng đã truyền căn bệnh thế kỷ cho chị, về những kỳ thị của mọi người, về việc chị đang có việc làm và thất nghiệp như thế nào… Tôi kiên nhẫn nghe và hỏi: “Em uống thuốc không đúng à?”. Chị gật đầu: “Các bác sĩ đưa ra những hướng dẫn rối rắm, em không hiểu nên uống đại”. Tôi hướng dẫn chị và cho chị số điện thoại của mình, dặn chị: “Khi nào em chán đời hãy gọi điện thoại cho tôi và kể chuyện trước khi em muốn đi tự tử”. Chị thường gọi điện thoại cho tôi kể chuyện cuộc sống của mình. Gần đây nhất, chị gọi cho tôi nói: “Em đã khỏe lên rồi. Em không ngờ uống thuốc đúng cách lại có tác dụng như vậy!”.
BS Hùng vui mừng khi nhặt được kim tiêm đã đậy nắp ở ngoài đường. Ông cho rằng như thế là người nghiện ma túy đã có ý thức bảo vệ cộng đồng hơn trước. Ảnh: ĐT
Giúp người có HIV chung sống với bệnh
Những học trò và là đồng nghiệp của ông thường truyền tai nhau kể lại những câu chuyện tình cảm về cách ông ứng xử, hỗ trợ hơn 8.000 “con, cháu” của ông.
ThS-BS Nguyễn Tiến Phúc cho biết: “Có nhiều đêm ông choàng tỉnh vì điện thoại di động reo. Đầu dây bên kia thảng thốt: “Chú ơi giúp cháu. Người yêu cháu có “ếch” (HIV/AIDS) nhưng anh nằng nặc muốn cưới cháu, muốn có con cùng cháu, cháu phải làm thế nào hả chú?!”. Có bà mẹ gọi điện thoại giọng hụt hơi: “Bác sĩ khuyên bảo cô con gái em với. Nhà em chỉ có mình cháu, con bé xinh đẹp, nết na thế mà lại yêu ngay một người có “ếch””… Ông luôn lắng nghe và lựa lời tư vấn để làm phụ huynh yên lòng”.
Năm 1994, Đại sứ quán Pháp có học bổng về HIV, BS Hùng lúc đó 44 tuổi, tự mình thi lấy học bổng và trở thành một trong những người đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu sâu, có bằng tiến sĩ về HIV tại Pháp. Theo BS Hùng, bản chất HIV chỉ là bệnh lây nhiễm như các bệnh khác nhưng thậm chí còn không nguy hiểm bằng viêm gan B và tỉ lệ lây truyền thấp nhiều so với viêm gan B. Tuy nhiên, tâm lý kỳ thị HIV thì rất lớn.
Năm 1998, tại khoa Lây BV Việt-Tiệp Hải Phòng phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm HIV là một thuyền trưởng tàu viễn dương. Lúc đó cả khoa đều lo lắng. BS Hùng là chỗ dựa duy nhất và là người duy nhất chữa trị cho anh. “Mọi người định giấu nhưng tôi là người đưa ý kiến nên công bố rõ ràng và tư vấn cho bệnh nhân đối diện với điều đó. Sau đó, HIV ở Hải Phòng và Quảng Ninh bùng nổ, tôi bắt đầu ứng dụng những nghiên cứu của mình vào thực tế và giúp những người nhiễm HIV ở Hải Phòng. Điều mà tôi vui nhất chính là việc người bệnh chấp nhận bệnh của mình. Họ chấp nhận, chữa trị tích cực và sống bình thường”.
"Bảo vệ luận án tiến sĩ có gì mà long trọng" Năm 1997, BS Ngô Việt Hùng bảo vệ luận án tiến sĩ ở Pháp. “Trong buổi lễ tốt nghiệp của chúng tôi có kê một dãy bàn, không băng rôn, không khẩu hiệu, không hoa. Phòng bên cạnh để mấy chai Champagne trong bình đá bằng kim loại. 13 ông giáo sư ngồi và chỉ mỗi ông chủ tịch thắt caravat, còn lại những người khác thì ăn mặc bình thường. Tôi lên báo cáo thì có mấy cái bảng trắng, mấy bút phớt và một cái máy chiếu thôi. Chúng tôi chỉ có 20 phút để báo cáo. Tôi báo cáo xong và mọi người đặt câu hỏi. 13 ông đặt 13 câu. Tôi trả lời được 13 câu, ông ấy bảo: “Ông Hùng đỗ rồi!”. Và chúng tôi sang phòng bên cạnh mở Champagne uống thôi. BS Hùng với tư cách là chuyên gia độc lập về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới kiểm tra việc các bác sĩ ở cơ sở trong việc khám bệnh cho bệnh nhân HIV. Ảnh: ĐT Về nước, tôi chứng kiến rất nhiều lễ tốt nghiệp, lễ báo cáo tốt nghiệp, lễ báo cáo luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Nói chung làm thì rất long trọng, viết thì rất dày mà không ổn. Tôi chỉ mong mỗi người hãy làm việc thật sự chứ đừng vì học hàm, học vị”. ______________________________ Cuộc đời bác sĩ tiếp xúc với mỗi bệnh nhân không thể cứ khám rồi cho thuốc, chỉ dẫn là xong việc. Mỗi người đều có một câu chuyện, một cuộc đời. Hãy lắng nghe họ. Chữa bệnh còn là vấn đề bác sĩ có là chỗ dựa về tinh thần, tình cảm cho bệnh nhân hay không. TS-BS NGÔ VIỆT HÙNG |