Theo trang tin Phys.org, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã dùng kính viễn vọng “khủng” nhất thế giới để tìm kiếm câu trả lời về ngôi sao L2 Puppis. Cách đây năm tỉ năm, ngôi sao này khá giống mặt trời hiện giờ.
“Năm tỉ năm nữa kể từ giờ, mặt trời sẽ dần trở thành một ngôi sao đỏ khổng lồ, to hơn hiện giờ 100 lần” - GS Leen Decin thuộc Viện nghiên cứu Thiên văn học KU Leuven cho biết.
Số phận Trái đất ra sao vẫn chưa có gì đảm bảo khi mặt trời to hơn 100 lần so với hiện nay. Ảnh: earthsky
“Mặt trời cũng trải qua một mất mát lớn do một lượng gió mặt trời (gió sao) cực mạnh. Bảy tỉ năm nữa tính từ lúc này, mặt trời sẽ là một ngôi sao bé tí, có kích cỡ tương đương Trái đất nhưng nặng hơn” - ông nói.
Sự thay đổi của mặt trời sẽ có tác động mạnh mẽ đối với các hành tinh của Hệ Mặt trời. Chẳng hạn, sao Thủy và sao Kim sẽ bị ngôi sao cực lớn trên nuốt chửng và phá hủy.
“Số phận của Trái đất cũng chưa có gì đảm bảo. Chúng ta đều biết mặt trời sẽ sáng hơn và lớn hơn, vì vậy nó có thể phá hủy bất kỳ dạng sống nào trên hành tỉnh của chúng ta. Tuy nhiên, phần lõi đá của Trái đất sẽ sống sót qua giai đoạn mặt trời thành ngôi sao đỏ không lồ và tiếp tục quay quanh ngôi sao bé xíu đó” - ông Decin nói.
Để trả lời cho câu hỏi trên, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã quan sát sự tiến hóa của ngôi sao L2 Puppis. Ngôi sao này cách Trái đất 208 năm ánh sáng. Theo thuật ngữ thiên văn học, khoảng cách này khá gần. Các nhà nghiên cứu đã dùng kính viễn vọng radio ALMA để tìm câu trả lời từ ngôi sao này. Kính viễn vọng ALMA có đường kính 16 km được tạo thành từ 66 ăngten radio.
“Chúng tôi phát hiện thấy L2 Puppis đã được 10 tỉ năm tuổi. Cách đây năm tỉ năm, ngôi sao này với mặt trời của chúng ta hiện giờ giống hai anh em sinh đôi. Song 1/3 khối lượng của L2 Puppis đã bị thất thoát trong suốt quá trình tiến hóa của nó. Vì thế, điều tương tự cũng sẽ diễn ra với mặt trời trong tương lai xa” - nhà khoa học Ward Homan nói.
Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, các nhà khoa học đã phát hiện có một hành tinh khác quay quanh ngôi sao L2 Puppis ở khoảng cách 300 triệu km.
Việc tìm hiểu những tương tác diễn ra giữa L2 Puppis và hành tinh này sẽ đem đến những thông tin có giá trị về sự tiến hóa cuối cùng của mặt trời và tác động của nó đối với các hành tinh trong Hệ Mặt trời. Vì thế, để trả lời câu hỏi liệu Trái đất cuối cùng có thể tồn tại hay bị phá hủy khi mặt trời to hơn, có lẽ phải bắt đầu từ ngôi sao này.