Video: Không ăn cơm nhưng vẫn uống thuốc, có sao không? |
Bác sĩ dặn nên uống thuốc sau khi ăn cơm nhưng do buổi trưa tôi làm việc quá giờ nên không đói, tuy vậy vẫn uống thuốc. Làm vậy có sao không? (Võ Thanh Hùng, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Trả lời
Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu lý do phải uống thuốc khi ăn hoặc sau ăn.
Đầu tiên, một số thuốc sẽ gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn (thuốc allopurinol, thuốc bổ sung kẽm...), khó tiêu, loét hoặc viêm dạ dày (aspirin, diclofenac, ibuprofen, prednisolone, dabigatran...). Do đó, việc uống thuốc lúc ăn hoặc sau ăn sẽ hạn chế được tác dụng phụ này.
Tiếp theo, một số thuốc cần dùng trong hoặc sau bữa ăn để đảm bảo hiệu quả. Khi ăn, nhiều quá trình sinh lý thay đổi, bao gồm tăng lượng máu đến ruột, tiết dịch mật, giảm pH ruột và tăng nhu động ruột. Một số thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn với những thay đổi này (ritonavir, itraconazole...).
Bên cạnh đó, một số loại thuốc đái tháo đường cần uống quanh bữa ăn để đảm bảo giảm đường huyết sau ăn nhưng tránh hạ đường huyết quá mức. Các thuốc chứa enzyme tiêu hóa dùng ở người bệnh viêm tụy mạn cũng nên dùng lúc ăn để đảm bảo tiêu hóa tốt.
Ngoài ra, một số bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp như ợ nóng, khó tiêu hoặc trào ngược dạ dày thực quản cần uống thuốc kháng acid dạ dày quanh bữa ăn. Các bệnh lý này thường có đặc điểm tiết acid vào dạ dày trong lúc ăn, làm trầm trọng các triệu chứng bệnh hơn.
Cuối cùng, vẫn có một số thuốc có thể uống ở bất kỳ thời điểm nào, không kể trước ăn, trong lúc ăn hay sau ăn.
Tóm lại, bạn nên tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, dược sĩ để đảm bảo thuốc có hiệu quả và an toàn.
Dược sĩ HUỲNH NGÔ MINH TRANG, Tổ Thông tin thuốc - Dược lâm sàng, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM