Kinh doanh thực phẩm ‘bẩn’ bị xử lý ra sao?

Việc vận chuyển thực phẩm bẩn, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ càng ngày càng trở nên phổ biến. Điều này làm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.

Thực phẩm bẩn tràn lan

Mặc dù đã được phản ánh nhiều, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm, nhưng tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, khiến nhiều người bức xúc.

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn.

Xe tải chở cá khoai chứa chất cấm bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh: CACC

Đơn cử, ngày 23-2, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã phát hiện bắt giữ một ô tô tải đang chở hàng chục thùng hàng là cá khoai tẩm ướp chất độc hại đi tiêu thụ.

Qua test nhanh, toàn bộ số cá khoai nói trên đều cho kết quả dương tính với chất formol. Đây là một loại chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Theo lời khai của Dương Xuân Lâm, người lái xe thì toàn bộ số cá khoai nói trên được Lâm vận chuyển thuê từ tỉnh Thái Bình về Thanh Hóa bán lại cho các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Trước đây, cũng đã có rất nhiều trường hợp tài xế vận chuyển thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để mang tiêu thụ.

Xử lý nghiêm kinh doanh chuyển thực phẩm bẩn

Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM, khoản 5 Điều 11 Nghị định 115/2018 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với “hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” thì bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ một tháng đến ba tháng; Tịch thu tang vật.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Nếu vượt mức quy định xử lý hành chính thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317 BLHS về  “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” nếu sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên.

Khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 20 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm