Chi phí nhập 1 container tăng gấp 10 lần

Chiều 28 -12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "TP.HCM bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định dịp cuối năm". Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP, hiện doanh nghiệp (DN) hội viên đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đưa ra thị trường.

Đẩy nhanh hàng hóa Tết ra thị trường

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ba Huân cho biết dự trữ trứng gia cầm của DN đến nay đã đạt 90%. Hơn 10 năm nay tham gia bình ổn thị trường trứng gia cầm của công ty không hề thiếu.

Tương tự, theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, Tết năm nay Vissan chuẩn bị 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 4% so với cùng kỳ, thực phẩm chế biến 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Với sản lượng này, công ty cam kết đủ cung ứng hàng cho người dân TP nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, Vissan cũng chuẩn bị 1.000 tấn thịt heo đông lạnh được đóng gói quy cách 2 kg và 1 kg. Nếu có biến động về nguồn cung công ty sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường.

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng đưa hàng hóa phục vụ Tết ra thị trường. Ảnh: K.LINH 

“Chúng tôi cam kết trước, trong và sau tết không tăng giá. Người dân an tâm không mua tích trữ vì Vissan có hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm bán đến 29 Tết, mồng 2 mở cửa lại. Riêng ngày 28-29 giảm giá sâu để người dân mua sắm hàng Tết với giá bình ổn, chất lượng đảm bảo”- ông Dũng chia sẻ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, theo đo lường của các công ty nghiên cứu thị trường (Sở Công Thương), sức mua Tết năm nay sẽ không bằng những năm trước. Người dân đặc biệt là những công nhân đang làm việc tại TP.HCM sẽ ở lại đón tết do khó khăn trong di chuyển, sự phức tạp của dịch bệnh.

“Việc khó khăn trong đi du lịch cũng là lý do gia tăng tiêu dùng tại chỗ. Đối với các hiệp hội, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng tết, chúng tôi đều đã làm việc, tinh thần các DN vào cuộc rất quyết tâm”- ông Vũ cho biết.

Theo ông Vũ, vừa qua có một giai đoạn khó khăn sức mua giảm sâu, DN phải tận dụng cơ hội mua sắm Tết đẩy nhanh hàng hóa ra thị trường.

Hiện TP.HCM đang có chương trình khuyến mãi tập trung đến 31-12. Đã có 1.700 DN tham gia hơn 7.000 chương trình khuyến mãi với mức khuyến mãi 30 - 80%. Qua đó, cho thấy sức mua thị trường tăng, DN bán được lượng hàng lớn. Với những giải pháp này TP sẵn sàng cho phục vụ mùa cao điểm Tết 2022.

Người dân mua sắm hàng khuyến mãi tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Nguyên vật liệu đầu vào tăng giá từ 20 - 40%

Bên cạnh thuận lợi, Sở Công Thương cũng ghi nhận khó khăn của DN đang đối diện là chi phí nguyên vật liệu tăng do tác động COVID-19. Đặc biệt những nhóm hàng nhập nhập khẩu từ nước ngoài chi phí logistics tăng phi mã.

Ví dụ trước đây chi phí một container nhập về chỉ 200 USD nhưng hiện nay chi phí này có thể lên 2.000 USD - 3.000 USD. Điều này tạo áp lực chi phí đầu vào cho DN rất lớn. Tiếp theo là thiếu hụt lao động sau COVID-19; nguồn vốn phục vụ cho sản xuất và thị trường bị thu hẹp, sức mua không bằng những giai đoạn trước.

Chia sẻ cụ thể hơn, bà Lý Kim Chi cho biết, đến giờ này các DN vẫn tiếp tục khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng giá từ 20 - 40%. Tuy nhiên, các DN thành viên cam kết với Sở Công Thương cung ứng đủ hàng và không tăng giá vào dịp Tết.

Theo bà Chi, vừa qua những gói hỗ trợ của Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho DN nhưng vẫn còn những tồn tại nhất định. Do vậy, Chính phủ nên có chính sách hướng dẫn Ngân hàng nhà nước để tiếp tục miễn giảm lãi suất cho DN bởi gói miễn giảm vừa rồi chưa đủ chia sẻ khó khăn của các DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm