Làm gì để trẻ bỏ thói quen cắn móng tay?

(PLO)- Khoảng 30 - 60% trẻ nhỏ và vị thành niên có xu hướng cắn móng tay và thói quen này chính bản thân trẻ đôi khi không tự nhận ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Con gái tôi 8 tuổi, học giỏi và ngoan. Tuy nhiên, cháu có thói quen cắn móng tay mỗi khi xem truyền hình, đọc sách, làm bài… Xin hỏi cắn móng tay gây hại như thế nào và cần làm gì để cháu bỏ được thói quen này? (Trần Thị Thanh Nhàn, 36 tuổi, TP.HCM)

Trả lời

Theo thống kê, có khoảng 30-60% trẻ nhỏ và vị thành niên có xu hướng cắn móng tay. Đây là thói quen mà chính bản thân trẻ đôi khi không tự nhận ra.

Có ba nguyên nhân thường gặp dẫn đến thói quen này: Chán nản, căng thẳng hoặc đơn giản là trẻ muốn thư giãn (giống như cách trẻ mút ngón tay cái).

Thường thói quen này sẽ tự mất đi và không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trẻ cắn móng tay đến nhiễm trùng nền móng hoặc gây ra vấn đề liên quan răng miệng thì có các cách sau để giúp trẻ khắc phục:

1. Cha mẹ cần đồng hành cùng con trong việc bỏ một thói quen chưa tốt (có thể nói về vấn đề vệ sinh tay khi con định cắn móng tay).

2. Cắt ngắn móng tay cho trẻ.

3. Thay vì bảo trẻ đừng cắn móng tay, hãy thiết lập một mật mã riêng giữa cha mẹ và con (ví dụ một ký hiệu tay, một cái ôm nhẹ hay huýt sáo vui vẻ) để nhắc con đừng cắn móng tay nữa.

4. Cho trẻ đồ chơi phù hợp độ tuổi để trẻ có thể thư giãn thay thế cho việc cắn móng tay.

5. Treo thưởng hợp lý. Cha mẹ có thể lập một bảng chiến công, nếu con không cắn móng tay đủ 7 ngày (mỗi ngày đạt sẽ đánh dấu bằng 1 ngôi sao hay một nhãn dán sticker) sẽ được thưởng vào cuối tuần.

6. Giới thiệu cho con đa dạng những hoạt động phù hợp độ tuổi như tô màu, xếp hình, đóng vai, cùng nhau nấu ăn…

ThS-BS ĐÀO NGUYỄN PHƯƠNG LINH, khoa Sơ sinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm