Làm sao để biết bị ho thường hay ho gà?

(PLO)- Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh ho gà thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Triệu chứng bệnh ho gà

Khởi đầu của bệnh ho gà có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.

Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện người bệnh ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Phân biệt ho thông thường và ho gà

Còn ho thường (ho do cảm lạnh) là khi ho có dịch nhầy, ngoài ra người bệnh còn bị sổ mũi, đau họng, chảy nước mắt và chán ăn.

Triệu chứng có thể kéo dài 1-2 tuần, nặng nhất (và dễ lây nhất) là thời gian vài ngày đầu tiên. Vì cảm lạnh là do virus nên thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng gì.

Nguyên nhân gây ho gà

Tác nhân gây ho gà là Bordetella pertussis thuộc giống Bordetella gây bệnh ở người. Vi khuẩn gây ho gà có sức đề kháng rất yếu, sẽ bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường.

vi khuẩn ho gà
Vi khuẩn gây bệnh ho gà. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Nguồn truyền nhiễm

Người là vật chủ duy nhất của vi khuẩn ho gà, do đó nguồn truyền bệnh là bệnh nhân, không có nguồn lây truyền ở người lành mang trùng hoặc người bệnh trong thời kỳ lại sức . Thời gian ủ bệnh thông thường từ 7-20 ngày.

Đường lây truyền ho gà

Ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi.

Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học… Tỉ lệ mắc bệnh trong số những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình từ 90-100%.

Phòng ngừa ho gà thế nào?

Tiêm vaccine phòng ho gà đầy đủ, hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng có vaccine DTP phòng ho gà. Người mang thai trên 20 tuần cần tiêm vaccine phòng bệnh để trẻ có hệ miễn dịch từ sớm.

Vệ sinh nơi ở, làm việc sạch sẽ. Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.

Khi nghi ngờ mắc ho gà, cần chú ý mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh và đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm