Theo đài RT, trong thư từ chức gửi Thủ tướng Theresa May, Chủ tịch Hạ viện Andrea Leadsom viết: "Tôi không tin rằng cách tiếp cận của chúng ta sẽ mang lại kết quả tốt đẹp như cuộc trưng cầu dân ý 2016".
Bà Leadsom còn tuyên bố rằng: "Cơ hội mở cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit là một "sự chia rẽ đầy nguy hiểm", và có nguy cơ dẫn đến một sự hủy hoại đối với liên minh chúng ta".
Chủ tịch Hạ viện Andrea Leadsom đăng tải thư từ chức của mình lên Twitter, nói rằng: "Với một sự hối tiếc và trái tim nặng trĩu, tôi đã quyết định từ chức".
"Sự khoan dung đối với các thành viên nội các, những người đã ủng hộ các chính sách trái với lập trường của chính phủ, đã dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn trách nhiệm tập thể", bà Leadsom nói thêm.
Theo RT, bà Leadsom là người đã phản đối bất kỳ thỏa thuận liên quan đến liên minh hải quan với EU.
Chủ tịch Hạ viện Andrea Leadsom (bên trái) và Thủ tướng Theresa May tại Quốc hội Vương quốc Anh. Ảnh: AFP
Bà Leadsom là lãnh đạo thứ 36 từ chức, cũng là nhân vật chủ chốt thứ 21 liên quan đến tiến trình Brexit ra đi dưới thời bà May.
Phản ứng trước quyết định của bà Leadsom, phát ngôn viên phố Downing nói rằng: "Thủ tướng thất vọng vì bà ấy đã chọn từ chức. Bà May vẫn tiếp tục tập trung tốt nhất vào Brexit mà người dân đã lựa chọn".
Sự ra đi của bà Leadsom diễn ra vào vào thời điểm bà May đang đối mặt sức ép phải từ chức.
Thủ tướng Theresa May chịu áp lực khi bà Leadsom tiếp tục từ chức. Ảnh: Telegraph
Áp lực cũng gia tăng đối với đảng Bảo Thủ của bà May không chỉ trước Quốc hội mà với cả châu Âu.
Đảng Bảo thủ được dự đoán bị đánh giá thấp trong cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu vào ngày 24-5 tới với tỉ lệ có thể chỉ chiếm 12%, còn Đảng Lao động nhỉnh hơn với 18% số phiếu bầu, theo RT.
Trước đó, Thủ tướng Theresa May cho biết vào tháng 6 tới, bà sẽ trình Quốc hội một "kế hoạch mới về Brexit". Theo đó, kế hoạch này bao gồm những thay đổi quan trọng nhằm bảo vệ nước Anh trước Brexit. Đây được xem là những nỗ lực để cứu vãn tiến trình Brexit sau nhiều lần thỏa thuận bị bác bỏ.