Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 17-1 công bố báo cáo Đánh giá Tên lửa Quốc phòng năm 2019, nhận định tên lửa hạt nhân của Triều Tiên vẫn là “một đe dọa đặc biệt lớn” với Mỹ, bất kể các nỗ lực xây dựng hòa bình giữa hai bên.
“Hiện đang có khả năng xuất hiện con đường hòa bình mới với Triều Tiên, Triều Tiên vẫn tiếp tục cho thấy là một mối đe dọa đặc biệt lớn và Mỹ phải duy trì cảnh giác” – Yonhap dẫn báo cáo dày 80 trang của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong ngày 15-11-2018, lần thử tên lửa cuối cùng của Triều Tiên tính đến thời điểm này. Ảnh: AP
Bộ Quốc phòng Mỹ nhắc lại việc Triều Tiên trước đây từng đưa ra nhiều đe dọa tấn công Mỹ và các đồng minh của Mỹ bằng tên lửa hạt nhân.
“Một thập niên qua, Triều Tiên đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào các chương trình hạt nhân và tên lửa, mở rộng việc thử hạt nhân và tên lửa nhằm hiện thực hóa năng lực đe dọa đất Mỹ bằng việc tấn công tên lửa. Và kết quả là Triều Tiên đã tiến gần đến thời điểm có thể làm được điều đó….Triều Tiên giờ đã có khả năng đe dọa đất Mỹ bằng một cuộc tấn công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Mỹ tiếp tục duy trì cảnh giác, trong khi tiếp tục tìm cách giải quyết đe dọa tiềm tàng này bằng con đường ngoại giao” ” – báo cáo nhận định.
Báo cáo cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tạo ưu thế cho lãnh đạo Mỹ trong đàm phán ngoại giao với Triều Tiên. Ngoài ra năng lực phòng thủ tên lửa sẽ giúp bảo vệ các đồng minh trong trường hợp có xung đột.
Theo báo cáo, Mỹ tuân thủ các nỗ lực ngoại giao giúp tăng cường an ninh, bao gồm “sáng kiến ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp thượng đỉnh Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại Singapore ngày 12-6-2018. Ảnh: REUTERS
Triều Tiên đã ngưng mọi vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ tháng 11-2017, sau lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba được cho có khả năng bắn tới đất Mỹ.
Trong suốt năm 2018 lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện hàng loạt cuộc gặp thượng đỉnh với các lãnh đạo thế giới. Nổi bật là ba cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, và hai cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong các cuộc gặp với ông Moon Jae-in và ông Trump, ông Kim Jong-un đã cam kết sẽ hành động tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên trước khi Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo chỉ một ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói Triều Tiên vẫn chưa có “bước đi chắc chắn” để thực hiện mục tiêu này.
Đáng nói Bộ Quốc phòng Mỹ xác định Triều Tiên là “một đe dọa đặc biệt lớn” trong bối cảnh Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol vừa đến Mỹ để bàn chi tiết tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phát biểu tại trụ sở Bộ Quốc phòng chỉ vài giờ trước khi ông Kim Yong-chol đến thủ đô Washington, ông Trump cũng có đề cập đến báo cáo này, tuy nhiên không nhắc gì đến cụm từ Triều Tiên vẫn là “một đe dọa đặc biệt lớn” mà đánh giá cao việc bắt đầu “thương lượng với Triều Tiên”.
Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) đến Mỹ gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa). Ảnh: REUTERS
Theo tin từ Yonhap, chiếc máy bay chở ông Kim Yong-chol và một số quan chức Triều Tiên đi cùng xuất phát từ Bắc Kinh (Trung Quốc) và hạ cánh xuống sân bay quốc tế Dulles ở thủ đô Washington. Đây là lần đầu một phái đoàn quan chức Triều Tiên bay trực tiếp đến thủ đô Washington của Mỹ mà không dừng lại ở một TP Mỹ nào trước.
Đón phái đoàn Triều Tiên tại sân bay là Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên – ông Stephen Biegun. Ông Biegun từ chối trả lời báo chí tập trung đưa tin tại sân bay.
Theo Yonhap thì dự kiến ông Kim Yong-chol sẽ gặp ông Pompeo vào ngày 18-1, và khả năng cũng sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump để chuyển một bức thư của ông Kim Jong-un đến ông Trump.