Một trận động đất mạnh 6 độ Richter hôm 16/3/2011 tiếp tục làm rung chuyển khu vực phía đông Nhật Bản và làm các tòa nhà ở thủ đô Tokyo rung lắc mạnh. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho hay trận động đất có tâm chấn ở độ sâu 25km xảy ra lúc 12 giờ 52 phút (giờ địa phương) ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiba, cách Tokyo 96km về phía đông. Mặc dù chưa có lời cảnh báo sóng thần nào được đưa ra nhưng Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết mực nước biển có thể thay đổi.
Tối 15/3/2011, hai cơn dư chấn mạnh cũng xảy ra chỉ cách nhau ít phút. Chấn động đầu tiên mạnh 6,2 độ Richter, xảy ra ngoài khơi tỉnh Fukushima, một trong những nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất. Sau đó 3 phút, thêm một dư chấn 6 độ Richter xảy ra ở tỉnh Shizuoka, cách Tokyo 90km về phía tây nam. Liệu rằng tất cả những dư chấn trên sẽ truyền tới Tokyo và tạo điều kiện cho Cú lớn xảy ra?
Bản đồ thông tin về trận động đất tại Nhật Bản
Nhật Bản vẫn bị ám ảnh bởi trận động đất khủng khiếp được biết đến với tên gọi "The Big One" xảy ra vào năm 1923. Trận động đất này đã phá hủy hoàn toàn thủ đô Tokyo khiến 140.000 người thiệt mạng. Trận động đất lớn thứ hai xảy ra tại Kobe năm 1995 cũng đã cướp đi mạng sống của 6.400 người dân Nhật.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trận động đất mới xảy ra ở bờ biển phía đông nước Nhật có thể biến đổi thành những dấu hiệu bất thường của một trận động đất cực mạnh tấn công thủ đô của nước này. "Ý kiến này sẽ gây ra những luồng tranh luận sôi nổi trong cộng đồng khoa học" - ông Jochen Woessner, một nhà nghiên cứu địa chất học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Địa chất Thụy Sĩ, nhận định. "Có thể vùng đồng bằng Kanto sẽ xảy ra những chấn động tương tác mạnh" - Giáo sư John McCloskey, chuyên gia nghiên cứu Địa Vật lý từ Đại học Ulster tại Bắc Ai Len, nhắc đến vùng lòng chảo ven biển, nơi tập trung phần lớn diện tích thủ đô Tokyo.
Ông John McCloskey cho biết, các trận động đất không phải luôn lắng xuống, đôi khi nó có thể tái xuất hiện. "Những khu vực chưa bị tàn phá bởi một trận động đất có thể bị căng thẳng hơn do ảnh hưởng của một trận động đất xảy ra ở gần đó" - ông John McCloskey nói.
Quang cảnh thành phố Tokyo sau trận động đất "The Big One" xảy ra vào năm 1923
Jerome Vergne, nhà địa chất học tại Đại học Strasbourg ở miền Đông nước Pháp, cho rằng hiểm họa tiềm ẩn đối với Tokyo vẫn chưa kết thúc. Chỉ ở vùng phía bắc tâm chấn, cách Tokyo khoảng 400km về phía đông bắc, là nguy cơ xảy ra động đất có thể đã giảm. "Việc tăng áp lực có thể khiến trận động đất tiếp theo ở gần Tokyo xảy ra sớm hơn"- ông Jerome Vergne cảnh báo.
Thủ đô Nhật Bản nằm cách vùng ngã ba ngầm dưới nước khoảng 300km. Đây là nơi ba trong số hơn 20 mảng kiến tạo hình thành lớp vỏ trái đất thường xuyên dịch chuyển kết nối với nhau. Tokyo nằm trên mảng kiến tạo Á-Âu. Dưới Tokyo, mảng kiến tạo vùng biển Philippines bắt nguồn từ phía nam, trong khi mảng Thái Bình Dương hạ thấp dần từ phía đông. Hiện tượng lún xuống không phải là một quá trình chậm chạp và đều đặn mà diễn ra theo chuyển động dính trượt tạo ra những chấn động không thường xuyên nhưng xảy ra trên diện rộng.
Các chuyên gia ước tính một trận động đất cường độ mạnh xảy ra trong hoặc gần thủ đô Tokyo có thể gây thiệt hại hàng tỉ USD. Trong thập kỷ vừa qua, các nhà khoa học đã phát triển các chương trình máy tính để đo mức căng của lớp vỏ trên cùng của trái đất theo ba chiều, giúp dự đoán mức độ ảnh hưởng của sức ép này đối với các vết nứt gãy gần kề.
Tuy nhiên, Giáo sư Bob Holdsworth, chuyên gia về địa chất kết cấu từ Đại học Durham của Anh, cho rằng phải mất vài ngày, hoặc có thể vài tuần để các nhà khoa học có thể biết được liệu "quả bom hẹn giờ" nằm dưới Tokyo có điều chỉnh lại hay không. "Khi chấn động xảy ra trên một vết nứt gãy, nó có thể ảnh hưởng tới các vết nứt gãy gần đó. Các vết nứt gãy có thể ảnh hưởng lẫn nhau" - ông Bob Holdsworth cho biết.
Ông McCloskey cho hay, trận động xảy ra vào ngày 11/3/2011 tại Đông Bắc Nhật Bản là dư chấn của một trận động đất có cường độ 7,2 độ Richter xảy ra ở gần đó hai ngày trước, mặc dù cường độ của trận động đất này lớn hơn nhiều lần. "Chúng tôi đã tính toán rằng vùng chịu áp lực từ trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra vào ngày 9/3/2011 liên quan tới yếu tố kích thích trận động đất xảy ra sau đó". Tuy nhiên, việc kết nối với vùng Tokyo cách xa vài trăm kilômét sẽ khó khăn hơn - ông McCloskey cho biết. Các chuyên gia cũng nghiên cứu diễn biến của các trận động đất xảy ra trên khắp trái đất hàng năm.
"Động đất thường xảy ra hàng loạt cả về không gian và thời gian"- ông Holdsworth nhận xét và lấy dẫn chứng các trận động đất gần đây có cường độ trên 8 độ Richter xảy ra ở Peru, Indonesia, Trung Quốc và Chile. Một loạt các trận động đất tương tự cũng xảy ra trong giai đoạn từ năm 1957 tới năm 1964 quanh vành đai Thái Bình Dương, trong đó có 3 trận động đất mạnh ở mức kỷ lục. Vành đai Lửa trải dài từ New Zealand tới bờ biển Chile trong một khu vực rộng 40.000km. Xung quanh vành đai Thái Bình Dương dường như ngày nào cũng có những đợt chấn động địa chất.
H.N. tổng hợp (ANTG)