Theo đó, khi phát hiện vị trí có nguy cơ sạt lở, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP (sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với UBND các quận - huyện, phường - xã, thị trấn tiến hành ngay việc cắm biển cảnh báo vị trí có nguy cơ sạt lở.
Đồng thời, UBND quận - huyện, phường - xã, thị trấn triển khai xây dựng rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở; khuyến cáo người dân sơ tán và tháo gỡ, di dời tài sản đến nơi an toàn. Khẩn cấp tổ chức sơ tán, di dời người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Khi xảy ra sự cố sạt lở, Sở GTVT TP phối hợp với Công an TP tiến hành ngay việc thả phao phân luồng, hướng dẫn giao thông thủy an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông thủy cũng như quy định các loại tàu, thuyền không được phép đi vào đoạn sông, kênh, rạch bị sạt lở nhằm giảm áp lực sóng nước vào bờ.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Công an TP, Lực lượng Thanh niên xung phong TP phối hợp với UBND các quận - huyện có xảy ra sạt lở để huy động lực lượng kịp thời ứng cứu người, trục vớt tài sản và di dời người dân đến nơi an toàn…
Về công tác khắc phục sự cố sạt lở, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP chủ trì, phối hợp với UBND các quận - huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá lại nguy cơ sạt lở tiếp theo trên toàn tuyến sông, kênh, rạch, bờ biển để chủ động cảnh báo cho nhân dân trong khu vực sạt lở biết và chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn…
Sở Xây dựng TP chủ trì, phối hợp với UBND các quận - huyện để cân đối giải quyết quỹ nhà bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời theo chủ trương của UBND TP. UBND các quận - huyện, phường - xã, thị trấn khẩn trương bố trí nơi ở tạm cư, chăm lo đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân bị sạt lở và tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh;...