Ly hôn đòi lại sính lễ, và các ca xử không ai nhường ai

(PLO)- Trung Quốc vừa ban hành quy định mới về giải quyết tranh chấp liên quan tiền sính lễ khi ly hôn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao tặng sính lễ là phong tục lâu đời trong lễ cưới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, phong tục này cũng kéo theo các tranh chấp như đòi lại sính lễ khi ly hôn, yêu cầu mức sính lễ quá cao (thách cưới) hoặc thậm chí là các trường hợp “bỏ trốn” sau khi nhận sính lễ.

Trước những vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đầu năm nay đã ban hành “Quy định về một số vấn đề áp dụng pháp luật khi xét xử các vụ án tranh chấp hôn nhân” để làm rõ cách giải quyết tranh chấp liên quan sính lễ, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Ly hôn đòi lại sính lễ, có được không?
Một cặp đôi chụp ảnh với giấy đăng ký kết hôn tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 22-8-2023. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trung Quốc chính thức triển khai “Quy định mới về sính lễ”

Quy định mới về sính lễ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2. Trong đó phân loại rõ những quà tặng/tiền nào được tính là sính lễ và những quà tặng/tiền nào là quà tặng thông thường.

Cụ thể, để xác định một khoản tiền nhất định có phải là sính lễ hay không có thể dựa trên mục đích của việc tặng tiền, phong tục địa phương của hai bên, thời gian và phương thức thanh toán, giá trị tài sản cùng các yếu tố thực tế khác.

Quy định cũng làm rõ một số loại tài sản không thuộc sính lễ, như quà tặng có giá trị nhỏ do một bên tặng vào những dịp kỷ niệm đặc biệt như ngày lễ, sinh nhật,... hoặc quà tặng để sử dụng hằng ngày hay các món quà để nâng cao tình cảm.

Ngoài ra, quy định mới còn nêu rõ nếu hai bên đã đăng ký kết hôn, chung sống và một bên yêu cầu trả lại số tiền sính lễ khi ly hôn thì tòa án nhìn chung sẽ không chấp nhận.

Tuy nhiên, nếu thời gian chung sống chung ngắn và số tiền đính hôn quá cao thì tòa án có thể xác định có nên trả lại sính lễ hay không căn cứ trên bản thân sính lễ, lỗi của hai bên, hoàn cảnh hôn nhân (con cái, người vợ đang mang thai,...), đồng thời cũng tính đến phong tục địa phương.

Dưới đây là một số vụ tranh chấp liên quan sính lễ đã được giải quyết trong thời gian qua.

Vụ thứ nhất: Ly thân sau nửa tháng kết hôn

Mới đây, Tòa án nhân dân TP Tiên Đào (tỉnh Hồ Bắc) đã lần đầu tiên áp dụng quy định mới của Tòa án tối cao Trung Quốc để giải quyết một vụ tranh chấp tiền sính lễ khi ly hôn.

Theo thông tin từ tòa, vào năm 2022, ông Li và bà Zhang đã quen nhau qua lời giới thiệu của người khác. Đến tháng 1-2023, hai người đăng ký kết hôn.

Trong thời gian yêu nhau, ông Li nhiều lần chuyển tiền và gửi một phong bao lì xì cho bà Zang. Trước ngày cưới, ông Li đã tặng cho bà Zhang một món quà bằng tiền mặt trị giá 150.000 nhân dân tệ (khoảng 513 triệu đồng) và ba đồng tiền bằng vàng.

Sau khi kết hôn, hai bên liên tục cãi vã và đến tháng 2 năm nay, bà Zhang đệ đơn ly hôn lên tòa với lý do “không hợp nhau về quan điểm và tính cách”. Cả hai chưa có con.

Ông Li đồng ý ly hôn nhưng yêu cầu bà Zhang trả lại khoản tiền hơn 200.000 nhân dân tệ (gần 685 triệu đồng) mà ông cho là sính lễ.

Trong quá trình làm thủ tục ly hôn, cả hai nói với thẩm phán rằng hai người bắt đầu ly thân sau chưa đầy nửa tháng kết hôn và cũng xảy ra tranh chấp liên quan việc nhà trai đòi lại khoản tiền sính lễ.

Tòa án đã cho hai bên hòa giải nhiều lần và cuối cùng hai bên đã đạt được thỏa thuận ly hôn.

Theo đó, bà Zhang trả lại cho ông Li 165.000 nhân dân tệ (gần 565 triệu đồng - bao gồm số tiền và quà mà ông Li tặng trước đó), phong bao lì xì và ba đồng tiền vàng (38.800 nhân dân tệ - gần 135 triệu đồng). Tổng cộng, ông Li được nhận lại 203.800 nhân dân tệ (gần 700.000 triệu đồng).

Ly hôn đòi lại sính lễ, có được không?
Một đám cưới ở Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES

Vụ thứ 2: Tặng trang sức tặng ngày lễ tình yêu có được tính là sính lễ không?

Gần đây, trang mạng xã hội Tòa án tối cao TP Bắc Kinh đã đăng tải một vụ án mà tòa đã áp dụng quy định mới về sính lễ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Vụ tranh chấp xảy giữa anh Jia và chị Li. Hai người yêu nhau qua một trang web hẹn hò vào đầu năm 2021.

Trong thời gian yêu đương, anh Jia đã mua một chiếc điện thoại di động, đồ trang sức tặng chị Li (đồ trang sức được mua vào ngày 20-5, được xem là ngày tình yêu ở Trung Quốc vì “520” đọc gần giống “anh yêu em” trong tiếng Trung Quốc) và nhiều lần chuyển khoản cho chị với tổng số tiền 40.000 nhân dân tệ (gần 137 triệu đồng).

Sau đó, hai bên bắt đầu chung sống nhưng không đăng ký kết hôn. Cả hai đã bàn bạc về chuyện kết hôn và tiền sinh lễ.

Sau đó, anh Jia đã chuyển 150.000 nhân dân tệ (khoảng 513 triệu đồng) cho chị Li. Nửa năm sau, hai người chia tay vì vấn đề tính cách và thói quen sinh hoạt.

Anh Jia sau đó kiện chị Li để đòi lại tiền. Tại phiên tòa, anh này đã trình ảnh chụp màn hình lịch sử trò chuyện giữa hai người, biên lai mua sắm, thông tin chuyển khoản ngân hàng và các tài liệu khác để chứng minh những khoản tiền mà anh đã cho chị Li.

Tòa án tối cao TP Bắc Kinh cho rằng chiếc điện thoại di động mà anh Jia mua cho Li và số tiền 40.000 nhân dân tệ là quà tặng dùng hàng ngày để nâng cao tình cảm và không được tính là sính lễ. Về món đồ trang sức, tòa kết luận nó được mua vào dịp đặc biệt để nâng cao tình cảm nên cũng không phải là sính lễ.

Còn số tiền 150.000 nhân dân tệ được chuyển khoản sau khi cả hai bàn bạc chuyện sính lễ cưới xin nên bản chất số tiền này là sính lễ được cả hai bên thừa nhận. Vì vậy, tòa ra phán quyết yêu cầu chị Li trả lại cho anh Jia 150.000 nhân dân tệ.

Tuy nhiên, trước khi ra quyết định về việc trả 150.000 nhân dân tệ cho anh Jia. Tòa đã cân nhắc các yếu tố khác như thực tế sử dụng số tiền trong quá trình sống chung. Bởi vì, quy định mới của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cho phép tòa án quyết định việc trả lại như thế nào và theo tỉ lệ bao nhiêu dựa trên tình hình thực tế.

Vụ thứ 3: Tiền tiệc cưới, xe cưới có được coi là sính lễ không?

Tòa án TP Phú Bình (tỉnh Thiểm Tây) gần đây cũng lần đầu áp dụng “Quy định mới về sính lễ”.

Đó là vụ của ông Li Lei và bà Han Mei. Hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân. Kết hôn chưa đầy một năm, họ thường xuyên cãi nhau vì nhiều chuyện, cuối cùng hai bên quyết định ly hôn.

Ly hôn đòi lại sính lễ, có được không?
Tòa án Tối cao Trung Quốc ban hành quy định mới về tiền sính lễ. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Trong quá trình ly hôn, ông Li đã nộp một bản ghi chi phí dài 20 trang lên tòa và yêu cầu bà Han trả lại toàn bộ số tiền, bao gồm các phong bao lì xì với tổng số tiền 9.800 nhân dân tệ (khoảng 33,5 triệu đồng), tiền các bữa ăn, xem phim, mua túi xách, đi lại,... là 19.814 nhân dân tệ (gần 68 triệu đồng); các khoản tiền và quà mà ông Li tặng bà Han trong lễ cưới, gồm 88.888 nhân dân tệ (304 triệu đồng), 20.000 nhân dân tệ (68,5 triệu đồng) tiền lễ phục, một chiếc vòng cổ bằng vàng, bông tai vàng và vòng tay vàng với tổng giá trị là 36.000 nhân dân tệ (123 triệu đồng).

Ngoài ra, còn có các chi phí trong đám cưới như tiền bàn tiệc 64.000 nhân dân tệ (219 triệu đồng), tiền xe hoa 10.000 nhân dân tệ (34 triệu đồng) cùng với phí ly hôn 10.000 nhân dân tệ,... Tổng cộng là 258.502 nhân dân tệ (885 triệu đồng).

Bà Han lập luận tại tòa rằng trong tất cả những gì ông Li liệt kê bà chỉ thừa nhận số tiền 88.888 nhân dân tệ là tiền sính lễ. Bà Han cũng cho biết của hồi môn của bà bao gồm 8 chăn bông, 8 ga trải giường, 1 tivi và 1 máy giặt và cả hai đã sử dụng những vật dụng này trong lúc chung sống.

Ngoài ra, bà Han nói thêm rằng dù chỉ kết hôn được một năm nhưng trước đó hai người đã sống chung và bà cũng đã vì ông mà phá thai con chung của hai người một lần nên sẽ không trả lại các khoản tiền khác.

Tòa án sau đó kết luận rằng những món quà tặng trước kết hôn trong các dịp lễ, các phong bao lì xì và tiền tiệc cưới 64.000 nhân dân tệ không được coi là sính lễ đính hôn.

Vấn đề gây tranh cãi nhất trong vụ tranh chấp này là liệu tiền ly hôn, tiền xe cưới có được công nhận là sính lễ đính hôn hay không.

Tòa đã áp dụng khoản 1, điều 3 trong quy định mới để giải quyết. Theo điều khoản này, việc xác định một khoản tiền có là sính lễ hay không dựa trên mục đích sử dụng và phong tục địa phương của hai bên, thời gian và phương thức thanh toán, giá trị tài sản cùng các yếu tố thực tế khác. Như vậy, tiền xe cưới và tiền ly hôn được tính vào sính lễ.

Tóm lại, số tiền sính lễ trong trường hợp này gồm: 88.888 nhân dân tệ tặng trong lễ cưới, 20.000 nhân dân tệ cho lễ phục, các trang sức với tổng giá trị 36.000 nhân dân tệ, tiền xe cưới 10.000 nhân dân tệ và phí ly hôn 10.000 nhân dân tệ. Tổng cộng là 164.888 nhân dân tệ (gần 565 triệu đồng). Như vậy, vụ tranh chấp này được xét vào trường hợp sính lễ quá cao.

Còn về của hồi môn của cô dâu, gồm 8 chăn bông, 8 ga trải giường, 1 tivi và 1 máy giặt. Trong phiên tòa, cả hai bên đều đồng ý rằng của hồi môn sẽ trừ vào khoản sính lễ vì các đồ vật này đã khấu hao trong quá trình hai bên sử dụng. Cả hai thống nhất giá trị của của hồi môn là 10.000 nhân dân tệ. Như vậy, lúc này tiền sính lễ là 163.888 nhân dân tệ.

Tuy nhiên, việc bà Han sẽ hoàn lại cho ông Li bao nhiêu trong 163.888 nhân dân tệ cần dựa vào điều kiện chung sống thực tế của cả hai bên. Thẩm phán cho rằng việc bà Han từng mang thai là yếu tố quan trọng trong việc quyết định số tiền mà bà sẽ trả lại cho ông Li bởi vì tinh thần của pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ.

Cuối cùng, tòa phán quyết bà Han trả lại cho ông Li 46.000 nhân dân tệ (157,5 triệu đồng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm