U-23 Việt Nam đánh bại U-23 Myanmar 4-0, còn U-23 Thái Lan đánh bại U-23 Nhật 2-1.
Nhìn vào thành phần U-23 Myanmar thua U-23 Việt Nam 0-4 thì đúng là “hàng thật” từng hạng tư SEA Games 2017. Còn Nhật chỉ là đội U20.
Bảng A tập trung ba đội U-23 Thái Lan, U-23 Triều Tiên, U-23 Nhật. Lạ là ba đối thủ bảng này cũng sẽ gặp nhau ở vòng chung kết U-23 châu Á (tháng 1-2018 tại Trung Quốc) khi cùng nằm trong bảng B.
Ở các nước có nền bóng đá phát triển như Nhật thường rất cấm kỵ các đội cùng bảng ở giải đấu chính gặp nhau trước đó ở những giải giao hữu. Đằng này có đến ba đội cùng bảng ở vòng chung kết U-23 châu Á lại “nhốt” cùng “chuồng” đá với nhau trong giải giao hữu thì dễ gì họ “vạch áo cho đối thủ xem lưng”. Không riêng gì Nhật mà ngay cả Triều Tiên lẫn chủ nhà Thái Lan cũng thế thôi.
U-23 Thái Lan tung bài thắng U-20 Nhật thay đàn anh dự giải U-23. Ảnh: BANGKOK POST
Vì vậy cũng không ngạc nhiên khi Nhật nhận lời nhưng chỉ gửi đội U-20 sang Thái Lan dự M-150 Cup thay đội U-23. Vì thế mà sau chiến thắng của U-23 Thái Lan trước Nhật, HLV đội chủ nhà cũng rất bình thản và không lên gân, không hô hào ầm ĩ qua việc thắng một tên tuổi lớn vì ông hiểu chẳng có ý nghĩa gì cả khi đối thủ giấu bài toàn bộ.
Nên nhớ tại vòng chung kết U-23 châu Á thì Nhật được xem là ứng viên vô địch và bản thân họ cũng đặt mục tiêu đấy. Một giải đấu với mục tiêu cao thì dễ gì họ “show hàng” ở M-150 Cup cho nhiều đối thủ “soi”.
Đến lúc này thì báo chí Đông Nam Á lại đặt vấn đề ngược lại là không biết các đội Đông Nam Á dự giải này có chơi thiệt ăn thiệt khi đối thủ của mình thì giấu kín như bưng không?
Thôi thì mọi sự trông chờ vào tài mưu lược của ông thầy Park Hang-seo và hy vọng ông cũng nhìn xa, cũng biết giấu những cái cần giấu như người Nhật giấu trước người Thái để chuẩn bị cho trận đánh thật vào tháng 1-2018.