“Nếu các báo cáo mà chúng tôi nhận được từ nhiều nguồn liên quan đến sự việc Trung Quốc xây dựng và bố trí thiết bị quân sự ở biển Đông là thật thì chúng tôi bắt buộc phải khiến Trung Quốc lùi bước”. Phát biểu nêu trên có phải là bước ngoặt báo hiệu Malaysia sắp sửa thực hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không?
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 15-3 đã làm rõ hai vấn đề. Đầu tiên, trong những năm qua, Malaysia đã dần dần trở nên cứng rắn hơn về vấn đề biển Đông đến mức quan điểm đối phó với Trung Quốc ngày càng lộ rõ.
Các quan chức Malaysia đã công khai tuyên bố đến vấn đề Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia cho dù không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Malaysia đã đề nghị cần phải khẩn cấp hành động trước các hành vi xâm phạm chủ quyền Malaysia. Malaysia cũng đã thương lượng với Mỹ để đưa máy bay Mỹ đến Malaysia.
Có một số động thái Malaysia chưa từng làm trước khi Trung Quốc ngang nhiên thực hiện yêu sách chủ quyền trái phép ở biển Đông. Bởi thế, tạp chí The Diplomat nhận định phát biểu nêu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein phải được xem thuộc khuôn khổ duy trì quan điểm liên tục chứ không phải “đùng một cái” thay đổi quan điểm.
Các đề nghị của Bộ trưởng Hishammuddin Hussein như yêu cầu Trung Quốc giữ cam kết không quân sự hóa ở biển Đông hay Malaysia sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines đã chứng tỏ Malaysia trở nên tích cực hơn đối với vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Do đó trong tương lai gần, không có gì ngạc nhiên khi Malaysia hành động mạnh mẽ hơn.
Điều thứ hai cũng không kém quan trọng là động thái của Malaysia thật ra vẫn chưa đủ so với tính chất phức tạp của tình hình toàn cục. Malaysia luôn theo đuổi giải pháp an toàn khi tiếp cận vấn đề tranh chấp ở biển Đông, có nghĩa là vẫn bảo vệ chủ quyền nhưng theo cách thức không làm phương hại đến mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.
Tạp chí The Diplomatnhận định ngay cả khi Bộ trưởng Hishammuddin Hussein tuyên bố cứng rắn, Malaysia cũng chưa chắc từ bỏ hoàn toàn phương thức tiếp cận nêu trên do nhiều nguyên nhân: Vị trí địa lý trong yêu sách chủ quyền của Malaysia, lịch sử quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc, hạn chế về năng lực quân sự của Malaysia.
Vì lẽ đó, khi Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein nêu lên mối lo ngại của Malaysia về tình hình quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông, ông phải thòng thêm một vế nữa rằng Malaysia cần hợp tác khu vực và Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp.