Mang thai hộ: Luật không thể làm ngơ

Với những người vợ vì bệnh lý mà không thể mang thai và sinh nở được thì mang thai hộ là một lựa chọn giúp họ có được con. Mang thai hộ được hiểu là dùng biện pháp kỹ thuật lấy trứng của vợ và tinh trùng của chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ người này mang thai hộ. Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến tiếp thu sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, vấn đề mang thai hộ lại được xới lên.

Cậy nhờ mang thai hộ

Theo BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh, nguyên Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ, có hai nhóm người nếu muốn có con chỉ còn cách duy nhất là mang thai hộ. Một là những phụ nữ có tử cung không bình thường (tử cung bị dị dạng, tử cung bị bệnh lý như u xơ hay bệnh về nội mạc, do tai biến sản khoa trước đó phải cắt bỏ tử cung). Hai là những người có tử cung bình thường nhưng sức khỏe không cho phép để mang thai, ở nước ta gặp nhiều nhất là bệnh tim.

Theo BS Tường, trước đây ngành y đã từng áp dụng thành công biện pháp mang thai hộ cho những trường hợp bị biến chứng trong chương trình kế hoạch hóa gia đình (nạo phá thai nhiều lần hoặc bị cắt tử cung). Tuy nhiên, việc làm này sau đó phải chấm dứt vì Nghị định 12/2003 ra đời với quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ. BS Tường cho biết hằng ngày ông và đồng nghiệp nhận được những “đơn đặt hàng” để dùng biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp người ta mang thai hộ nhưng ông đều từ chối vì luật không cho phép. Nhiều người vì khát khao có một đứa con nên dù bệnh tim nặng vẫn làm liều, hậu quả là chết cả mẹ lẫn con.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho biết khi tư vấn tại tổng đài 1080, ông nhận rất nhiều câu của khách hàng thuộc hai nhóm người trên muốn tìm cách có đứa con hợp pháp. Có người đánh liều làm chui với nhiều may rủi mà nếu có phát sinh tranh chấp thì pháp luật cũng không thể giải quyết được.

Mang thai hộ: Luật không thể làm ngơ ảnh 1

Nhiều ý kiến mong muốn luật hóa việc mang thai hộ. Ảnh: HTD

Bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận, cho rằng hiện nay chưa có tranh chấp về quyền nuôi con giữa hai “bà mẹ” vì người dân ý thức được rằng luật đang cấm mang thai hộ nên có tranh chấp họ cũng không nhờ đến pháp luật can thiệp. Điều đó đồng nghĩa với vấn đề mang thai hộ bị nằm ngoài vùng phủ sóng của luật dù thực tế vẫn diễn ra.

Nên cho nhưng thận trọng

TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng luật cấm nhưng thực tiễn đang xảy ra nhiều trường hợp lén lút mang thai hộ. “Do vậy Nhà nước nên kiểm soát bằng cách đưa vào luật hơn là để nó xảy ra trên thực tế rồi sau đó phải công nhận hậu quả (dưới hình thức hợp thức hóa thủ tục để đứa con được sinh ra là con nuôi hoặc con đẻ của người nhờ mang thai hộ). Luật hóa mang thai hộ cũng là cách giúp tòa án dễ dàng giải quyết tranh chấp về con giữa người mẹ mang nặng đẻ đau và người mẹ cùng huyết thống” - TS Tiến nói. Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình với quan điểm này.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ trong nước đã có đầy đủ, nhu cầu được có con của hai nhóm người nêu trên là hoàn toàn chính đáng. Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân được hưởng những kỹ thuật tiến bộ này chứ không nên cấm đoán.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc cho phép mang thai hộ sẽ kéo theo hiện tượng nhiều phụ nữ vì những lý do không chính đáng khác mà áp dụng biện pháp này (ví dụ như sợ sinh con cơ thể xấu đi, sợ tốn thời gian). Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai hộ sẽ nở rộ không kiểm soát được.

TS Nguyễn Văn Cừ, Phó khoa Luật dân sự, ĐH Luật Hà Nội - thành viên tổ biên tập sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, cho biết qua các phiên thảo luận góp ý cho việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, nhiều ý kiến mong muốn luật hóa việc mang thai hộ. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép trong phạm vi gia đình, tức người được nhờ mang thai hộ là chị hoặc em của người nhờ mang thai hộ để tránh những tranh chấp phức tạp về sau. “Đây là vấn đề nhân bản nên luật cần cho phép mang thai hộ nhưng phải thật thận trọng” - TS Nguyễn Văn Cừ nói.

Nhưng luật sư Huỳnh Minh Vũ lại cho rằng nếu chỉ cho trong phạm vi gia đình thôi sẽ có rất nhiều người thiệt thòi, vì có những người không có chị em nào để nhờ mang thai hộ hoặc nếu có mà chị em đó không muốn mang thai hộ thì đành chịu thiệt. Nếu sợ khó quản lý thì khi cho phép mang thai hộ, nhà làm luật cần đưa ra những quy định thật chặt chẽ ngay từ đầu. Điều này giúp các cơ quan thi hành pháp luật dễ giải quyết hậu quả về sau như việc nhận con và trả con giữa người nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ như thế nào, xác nhận ai là mẹ đẻ đứa bé, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên…

Những quy định cần có nếu cho phép mang thai hộ

- Điều kiện của người mang thai hộ: Là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 22 đến 30 tuổi, đã từng có con để có kinh nghiệm cho việc mang thai. Chỉ được mang thai hộ không quá hai lần để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Nếu đang có chồng thì người chồng phải có văn bản đồng ý cho vợ mang thai hộ.

- Điều kiện của người nhờ mang thai: Phải có kết luận của bệnh viện chuyên khoa về việc người này không thể mang thai. Tại thời điểm mang thai, nếu người này có chồng thì cả hai vợ chồng phải có văn bản đồng ý việc mang thai hộ.

- Quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ: Được quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, được hỗ trợ về vật chất từ người nhờ mang thai. Người mang thai hộ có nghĩa vụ bàn giao trẻ cho người nhờ mang thai sau khi sinh, cam kết không đứng tên trên giấy khai sinh của trẻ, không tranh chấp về quyền nuôi con và tài sản thừa kế của đứa trẻ.

- Quyền và nghĩa vụ của người nhờ mang thai: Được quyền nhận lại con từ người mang thai hộ sau sinh, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con giống như con đẻ của mình. Người nhờ mang thai có nghĩa vụ hỗ trợ về vật chất cho người mang thai hộ, có nghĩa vụ phải nhận lại con sau khi con chào đời.

- Hình thức thỏa thuận: Phải có hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực và các chế tài pháp lý đi kèm.

Luật sư HUỲNH MINH VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm