Hiện nay người dân TP.HCM phải chịu mức phí giao hàng cao gấp 2-3 lần so với bình thường, đặc biệt sau khi TP.HCM ra thông báo người dân "ai ở đâu ở yên đấy" từ ngày 23-8.
Phí giao hàng tăng cao nhưng để tìm được shipper cũng không dễ dàng. Ảnh: Nguyễn Yên
Phí giao hàng tăng chóng mặt
Chị Quỳnh Thư (Gò Vấp) cho biết, chị đặt rau từ một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Hoàng Văn Thụ. Nếu như ngày thường với khoảng cách chưa đến 6,5km, phí giao hàng là 30.000 đồng thì bây giờ tăng gấp đôi 70.000-75.000 đồng tùy ứng dụng.
Dù đã chịu mức phí cao nhưng cửa hàng tìm shipper (người giao hàng) cả tiếng đồng hồ vẫn không có dù đã thử đến 2-3 ứng dụng. Nếu đặt ship ngoài chị Thư phải trả tới 150.000 đồng cho 6,5km.
Nhân viên cửa hàng này cũng cho biết mùa dịch nên đơn vị phải đặt giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Tình hình chung shipper khan hiếm đẩy phí giao hàng tăng cao và người mua phải chịu hoàn toàn chi phí giao hàng này chứ không còn được hỗ trợ như trước đây.
Phản ánh tới PLO, anh Đoàn Kiên (phường 9, quận Gò Vấp) cho hay anh muốn gửi đồ ăn cho mẹ thuộc diện F2, khoảng cách 3,7km, ứng dụng báo giá 60.000 kèm thông báo "giá tiền tăng cao do nhu cầu tăng" nhưng rất khó có tài xế.
“Mỗi ứng dụng báo một giá khác nhau và giá liên tục thay đổi tùy nhu cầu gọi xe. Mùa dịch khó khăn về kinh tế lại cần giao hàng liên tục cho người thân nên mỗi lần như vậy tôi mất rất nhiều thời gian" - anh Kiên nói.
Phí giao hàng ở mức khá cao được các hãng xe công nghệ, shipper lý giải là do số lượng shipper giảm sút mà nhu cầu người dân thì tăng cao.
Giá tăng giảm theo nhu cầu sử dụng
Các hãng quản lý tài xế công nghệ cho biết đang cố gắng kiểm soát tình hình và không tăng giá dịch vụ.
Trả lời PLO, đại diễn hãng Ahamove cho biết: “Giá cước phí hoạt động của Ahamove được tính như mọi mô hình “on-demand” khác, chúng tôi tăng giảm theo nhu cầu của khách hàng theo từng thời điểm trong ngày để đảm bảo cân bằng giữa lượng cung- cầu.
Về cơ bản nếu nếu shipper đáp ứng đủ nhu cầu giao hàng của khách hàng thì sẽ không có chuyện tăng giá. Nếu cầu quá cao thì phải tăng nhưng cố gắng tối đa tăng không quá 2.0 lần.”
Trước thông tin phí giao hàng tăng, phía Gojek khẳng định không có chủ trương tăng giá các dịch vụ vận chuyển trong thời điểm này, ngược lại đang thực hiện các chương trình giảm giá.
Vị này cho biết thông thường giá cước dịch vụ của hãng mang tính linh hoạt, được tính toán bằng thuật toán dựa trên cơ sở cân bằng cung-cầu trên thị trường tại từng thời điểm.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết thời điểm trước và trong dịch bệnh, phí giao hàng của hãng không thay đổi. Các chi phí đều được niêm yết rõ ràng trên bưu cục, website và ứng dụng do đó không có hành vi tăng giá trục lợi nào.
Cũng theo vị này, tính riêng TP.HCM có hơn 1000 shipper đang hoạt động, mỗi shipper sẽ phụ trách một địa bàn nhỏ và chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình từ nhận và giao đơn nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo quá trình vận chuyển được lưu thông.
Cần kiểm soát giá phí giao hàng
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cho biết cần có giải pháp đối với tình trạng phí giao hàng tăng.
Dịch vụ giao hàng thông qua các hãng xe công nghệ tại TP.HCM đang là dịch vụ "độc quyền", do đó việc điều tiết hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, vừa bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch là điều hết sức cần thiết.
“Các sở ban ngành tại TP.HCM cần phải làm việc với các hãng xe công nghệ đưa ra các giải pháp tối ưu, tránh để người dân gánh chịu mức giá quá cao" - ông Tính nhấn mạnh.
Về phía các hãng xe công nghệ, để giảm bớt áp lực và hỗ trợ cho tài xế, khách hàng trong mùa dịch, các đơn vị này cũng cố gắng đưa ra các gói khuyến mãi giao hàng và hỗ trợ tài xế.
Đơn cử như ShopeeFood, tên mới của nền tảng Now, cho biết sẽ tiếp tục cung cấp đa dạng thực phẩm, đồ uống và nhu yếu phẩm hằng ngày từ hệ thống các đối tác, bao gồm nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
Từ ngày ngày 18 đến 31-8, người dùng dễ dàng nhận được các ưu đãi như Deal 0Đ, voucher giảm giá 50% và Freeship 0Đ được áp dụng trên toàn quốc.
Đối với các địa phương đang áp dụng giãn cách, hạn chế dịch vụ giao đồ ăn, ShopeeFood cung cấp voucher giảm giá 50% và Freeship 0đ cho Fresh - dịch vụ đi chợ hộ từ ngày 19 tới hết ngày 29-8.
Trong khi đó, Ahamove đã bỏ một số quy định về thời gian tối thiểu hoàn thành đơn hàng và có kế hoạch hỗ trợ các tài xế bị phạt khi giao hàng để hỗ trợ tài xế an tâm di chuyển, giao hàng đến các khu cách ly với thời gian chờ đợi hoàn tất chuyến hàng kéo dài.
Phí giao hàng từ tỉnh về TP.HCM tăng cao Không chỉ giao hàng trong nội thành TP.HCM, hiện nay người dân còn phải chịu mức phí giao hàng cao khi đặt hàng từ tỉnh về TP.HCM. Đơn cử như chuyến Đăk Lăk-TP.HCM, phí giao hàng đối với nhà xe khách trước đây là 50.000 đồng/thùng hàng thì nay tăng lên 200.000-250.000 đồng/thùng. Phía Giao hàng tiết kiệm-GHTK cũng thông báo thu thêm 10% phí dịch vụ với các mặt hàng nông sản và những mặt hàng thực phẩm và sẽ chịu trách nhiệm về hàng hóa cho bên bán. Ngoài ra với các đơn hàng tạo trên ứng dụng iGHTK, đơn vị vận chuyển này cũng sẽ thu thêm 10% so với biểu phí thông thường. |