Mở cánh cửa cho hàng Việt vào EU

Ngày 1-7, Bộ Công Thương và UBND TP.HCM tổ chức tọa đàm về EVFTA và vai trò của truyền thông. Theo quy định ưu đãi thuế quan của hiệp định này, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm và nhiều hàng hóa khác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được giảm thuế về 0%.

Sức bật mới

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay để đi đến việc ký kết và thống nhất được các quy định mang tính chất đảm bảo lợi ích chung của các bên, các cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán đã mất chín năm đầy khó khăn với khối lượng công việc rất lớn.

“Hiệp định có tính chất toàn diện vì không chỉ đề cập đến nội dung của các hiệp định thương mại tự do truyền thống mà đã mở ra các lĩnh vực mới. Trong đó bao gồm cả phi truyền thống với những vấn đề rất nhạy cảm và mới nhưng là chủ đề phát triển của thế giới đương đại” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định lợi ích từ hiệp định này rất rõ nét. Thứ nhất là những lợi ích trước mắt trong ngắn hạn, với việc cải thiện năng lực tiếp cận thị trường, khai thác các cơ hội thị trường, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như nâng cao giá trị gia tăng hoạt động xuất khẩu với thị trường châu Âu.

Thứ hai là cơ hội lớn cho Việt Nam điều chỉnh tổ chức hoạt động sản xuất, đầu tư và kể cả mô hình tăng trưởng nền kinh tế lẫn cơ hội phát triển trong các lĩnh vực kinh tế phát triển. Đặc biệt là cơ hội thu hút nguồn đầu tư, kể cả công nghệ nguồn là những nguồn lực quan trọng giúp cho các ngành kinh tế, bao gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ để cơ cấu lại nâng cao năng suất lao động, nâng cao các giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản xuất.

Và cuối cùng, đây là thời kỳ vàng tạo kết nối với một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Qua đó để doanh nghiệp (DN) Việt tham gia vào chuỗi cung ứng có tính bền vững hơn không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn cả bất kỳ thị trường khác.

“Chúng ta cam kết sửa đổi luật, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cải cách DN nhà nước, thương mại điện tử,... Đây là những cú hích và tạo ra được môi trường, điều kiện mới cho cộng đồng DN và các chủ thể khác kể cả người dân. Mục tiêu là hoàn thiện được một nhà nước pháp quyền, môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả, có năng lực và phát triển quốc gia ngày càng văn minh, hiện đại” - bộ trưởng nói.

Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Công Thương nhìn nhận rất nhiều DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ không nắm rõ thông tin về EVFTA. Trong khi đó, thời gian có hiệu lực của hiệp định sẽ bắt đầu từ ngày 1-8-2020.

“Đây là điều đáng buồn và có một phần trách nhiệm của Bộ Công Thương. Đề nghị báo chí tích cực tuyên truyền hơn nữa để các DN nắm bắt nhiều thông tin hơn và tìm kiếm các cơ hội mới tại thị trường châu Âu, thay vì để cho nước khác hưởng lợi” - bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (đứng ) tại buổi tọa đàm về EVFTA và vai trò của truyền thông vào ngày 1-7, do Bộ Công Thương và UBND TP. HCM tổ chức. Ảnh: PM

Sẵn sàng lắng nghe mọi đóng góp

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực trong thời gian đến là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư cũng như tận dụng các cơ hội và lợi ích mà hiệp định này mang lại.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân tích đúng, đầy đủ cả cơ hội lẫn thách thức để tránh bị quá lạc quan hay bỏ qua cơ hội. Do đó, vai trò của báo chí rất quan trọng, đóng góp một phần thông tin về các tính chất của hiệp định đến được đối tượng rộng nhất và đến đối tượng cần thiết nhất. Đồng thời, báo chí cũng là kênh phản biện để cơ quan nhà nước nắm được nguyện vọng, nhu cầu của các DN, người dân mà dựa vào đó có những điều chỉnh phù hợp nhất nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho các chủ thể này” - ông Đức nói.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, đánh giá việc Việt Nam tham gia EVFTA với tiêu chuẩn rất cao thì công tác tuyên truyền để đưa đầy đủ, chính xác thông tin đến cộng đồng DN, người dân hết sức quan trọng. Do đó, Bộ Công Thương rất mong muốn phối hợp với các cơ quan truyền thông để truyền tải thông điệp.

Chẳng hạn, thực hiện cam kết công đoàn. Đây là nội dung mới, trong đó đặc biệt có cơ chế hoàn toàn mới chưa từng có. Đơn cử như việc cho phép các tổ chức được tham gia đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực về phát triển bền vững như lao động, công đoàn, môi trường,... để làm sao thực hiện tốt.

“Việc thực thi hiệp định phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm bản thân nội tại. Chẳng hạn, một nghiên cứu của World Bank cho biết nếu Việt Nam thực hiện cam kết theo kiểu sáng tạo. Tức là chúng ta quyết tâm đổi mới cải cách thủ tục của mình và cải cách theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế như đề ra trong EVFTA thì giá trị gia tăng của GDP từ đây cho đến năm 2030 có thể tăng thêm 6,8%. Con số này cao hơn 4% so với kịch bản mà chúng ta thực hiện theo kiểu đơn thuần máy móc, không có quyết tâm cải cách” - ông Thái nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá từ lâu cơ quan báo chí đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, trong đó có cả những chiến lược và công tác hội nhập. Báo chí cũng cần tuyên truyền sâu rộng hơn cho người dân, DN về việc triển khai EVFTA mang tính chủ động tích cực, thể hiện đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước là chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới.

“Trên tinh thần cởi mở và tương tác hai chiều, với tâm thế xây dựng và cầu thị, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi đóng góp của cơ quan truyền thông. Qua đó để người dân và DN thật sự nắm bắt, hiểu kỹ, đầy đủ những cơ hội lẫn thách thức, nhiệm vụ, giải pháp mà chúng ta đang cùng kỳ vọng” - bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị.

Nhiều mặt hàng được miễn thuế từ ngày 1-8

Hiệp định EVFTA chuẩn bị đi vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế, thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, hiệp định này được kỳ vọng sẽ mở đường cho các công ty Việt tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường EU đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP đạt 18.000 tỉ USD.

Theo quy định ưu đãi thuế quan của EVFTA, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau bảy năm.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cắt giảm gần 100% dòng thuế trong vòng 10 năm. Trong đó 48,5% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và 91,8% về 0% sau bảy năm... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm