Đối với “ông chủ Nhà Trắng”, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành đối tác thân cận nhất của ông. Mối quan hệ được ràng buộc bởi các lợi ích chính trị và cá tính tương đồng.
Ông Obama đã đến Hanover, Đức vào hôm 24-4 để thể hiện sự ủng hộ đối với bà Merkel, khi mà bà đang phải đối mặt với những công kích xung quanh lập trường của bà về vấn đề người tị nạn từ Syria. Ông Obama đã ca ngợi sự dũng cảm và nhân văn của người đồng cấp tại Đức, khi bà mở cửa biên giới cho gần một triệu người di cư vào năm ngoái. Ông phát biểu: “Thủ tướng Merkel đã đứng về phía chính nghĩa của lịch sử trong vấn đề này. Tôi nghĩ bà đã gắn kết mọi người thay vì chia rẽ họ. Tôi rất tự hào về bà ấy và tự hào về người Đức vì điều đó”.
Ông Obama đã đến Hanover, Đức vào hôm 24-4 để thể hiện sự ủng hộ đối với bà Merkel.
Đồng thời, ông Obama hy vọng đồng minh mạnh nhất của mình tại châu Âu có thể giúp Mỹ gây tác động lên các nhà lãnh đạo còn đang “chần chừ”, thúc đẩy họ nỗ lực chống lại IS. Đặc biệt là việc thực hiện các chương trình chống khủng bố mạnh mẽ hơn để nhanh chóng phát hiện ra những kẻ cực đoan bị nghi ngờ. Ông cũng mong đợi sự giúp sức của bà Merkel trong việc ký kết một hiệp ước thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Nếu Obama thành công, điều này là do giữa hai nhà lãnh đạo đã có một mối liên kết thực sự, giúp hai bên đều được hưởng những lợi ích của riêng mình. Theo các nhà phân tích, mối quan hệ này đã giúp Đức đảm nhận vai trò vượt trội trong quan hệ Mỹ với châu Âu, mà trước đây vị trí này thuộc về Pháp hoặc Anh. Các quan chức nói rằng sự tương đồng trong tính cách và lập trường của mỗi nhà lãnh đạo đã dẫn đến sự kết nối bền vững trước những thử thách trong nhiệm kỳ của họ.
Ông Obama cùng bà Merkel đi dạo bên ngoài lâu đài Elmau, nhân hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức năm 2015.
Theo tiết lộ trong một email của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bà Merkel tỏ ra “không ưa” và lo ngại về ông Obama khi ông mới nhậm chức. Sau đó, khi việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đang theo dõi điện thoại di động của bà Merkel bị tiết lộ, tình hình càng tồi tệ hơn nữa.
Giữa họ đã từng tồn tại những bất đồng. Nhưng cả hai đều là những người có tư duy thực tế, có cái nhìn rõ ràng về những thách thức mà quốc gia của họ phải đối mặt. Họ đã bắt tay ngay cả khi những bất đồng vẫn còn đó. “Với tôi, trong thời điểm này, tương lai với ngài Tổng thống (Obama) quan trọng hơn nhiều so với những gì đã qua” - bà Merkel tuyên bố hôm 24-4.
Mối quan hệ này đã giúp Đức đảm nhận vai trò vượt trội trong quan hệ Mỹ với châu Âu.
Ông Obama bày tỏ: “Đây là mối quan hệ quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Thủ tướng Merkel có quan điểm thống nhất, chắc chắn và đáng tin cậy. Bà ấy rất có khiếu hài hước nhưng không thường xuyên thể hiện trong các cuộc họp báo. Đó là lý do vì sao bà ấy lãnh đạo đất nước trong thời gian dài như vậy. Bởi vì Thủ tướng luôn để tâm tới những gì bà ấy nói”.
Theo lời các trợ lý của ông Obama, Tổng thống Mỹ đánh giá cao cách tiếp cận khoa học của bà Merkel đối với các vấn đề như: cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng ở châu Âu, những hành động khiêu khích liên tục của Nga ở Ukraine và những nỗ lực chống khủng bố còn hời hợt trong khu vực.
Charles Kupchan - cố vấn của ông Obama về các vấn đề châu Âu cho biết: “Chúng tôi tin rằng Thủ tướng Merkel đã chứng minh được sự lãnh đạo táo bạo của mình khi ứng phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tổng thống của chúng tôi muốn đưa ra sự hỗ trợ về chính trị để bà có thể thực hiện ý định đó”.