Một số mặt hàng Việt 'đứng vị trí số 1' tại Úc

(PLO)- Với năng lực của doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng và giữ được vị thế số 1 tại Úc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Úc, Tổng lãnh sự quán Úc... tổ chức tọa đàm tối đa hóa cơ hội trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam-Úc

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên cho biết, Việt Nam, Úc có điểm chung ít nhất trong ba hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực năm 2010; hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hiệu lực năm 2022, CPTPP có hiệu lực năm 2019.

Theo AANZFTA, riêng với CPTPP, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Úc và hàng hóa Úc xuất khẩu sang Việt Nam thuế 0%.

Với thuế 0% trao đổi thương mại giữa hai quốc gia kỳ vọng tăng trưởng cao nhưng chưa như mong muốn.

Ông Khanh dẫn chứng, giai đoạn 2009-2022 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc 4,46%, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới gần 14%.

Tuy nhiên, dư địa xuất khẩu hàng hóa giữa hai quốc gia còn rất nhiều. Cụ thể, hiện nay tỉ trọng hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Úc như thủy sản chiếm 28%, giày dép 26,38%...Các mặt hàng như cà phê, dệt may, đồ nội thất tỉ lệ còn rất thấp.

Tương tự, tỉ trọng hàng nhập khẩu từ Úc trong tổng nhập khẩu của Việt Nam lúa mì chiếm 21,91%, bông 12,29%, sữa chiếm 5,92%, thịt 9,07%...

Cùng nhìn nhận trên, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á, Châu Phi cho biết, cần thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu hơn nữa giữa hai quốc gia.

Đồng thời, ông Sơn cho biết, những điểm nghẽn trong hoạt động thương mại giữa hai nước là Úc có những quy định khắt khe với nông, thủy sản khiến DN gặp khó khăn.

Bên cạnh đó DN khó nắm bắt thị hiếu, nhu cầu thị trường, khoảng cách địa lý khiến DN vừa và nhỏ e ngại tiếp cận.

Vụ chính sách thương mại đa biên chia sẻ thông tin tại tọa đàm. ẢNH: TÚ UYÊN

Vụ chính sách thương mại đa biên chia sẻ thông tin tại tọa đàm. ẢNH: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp cần chú trọng xu hướng xanh hóa

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Việt Nam tự hào có một số mặt hàng đứng số 1 tại Úc nhưng đang chịu cạnh tranh với các nước.

Cụ thể, Việt Nam đang là nhà cung cấp thủy sản ngoại nhập số 1 tại Úc, chiếm 23% thị phần nhưng cạnh với hàng Thái Lan, Trung Quốc.

Tuy nhiên, với năng lực của doanh nghiệp (DN) Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng và giữ được vị thế số 1 tại Úc.

Tương tự hạt điều, đây là mặt hàng Việt Nam có ưu thế trên nhiều thị trường nên hoàn toàn giữ được vị trí số 1 tại Úc.

“Gỗ và các sản phẩm từ gỗ Việt Nam đang chịu cạnh tranh với Malaysia, Indonesia…nhưng Úc là nhà nhập các mặt hàng này thứ 9 thế giới. DN Việt có nhiều cơ hội tiếp tục khai thác”-ông Sơn nói.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, để tận dụng lợi thế các FTA xuất khẩu sang Úc thì việc có được nguồn nguyên liệu ổn định, tốt nhất là hạn chế đối với thủy sản Việt Nam.

Đặc biệt, gần đây chi phí đầu vào tăng liên tục, quá cao so với mặt bằng các nước xuất khẩu khác nên tại thị trường Úc, DN Việt chịu cạnh tranh khốc liệt.

“Úc có nền công nghệ tốt trong lĩnh vực nuôi biển nên chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ hơn nữa trong các dự án phát triển trong lĩnh vực này. Qua đó, giúp tăng nguồn nguyên liệu hải sản cho Việt Nam”-bà Hằng nói.

Trong khi đó, ông Khanh cho rằng xanh hóa là xu thế, nếu DN không quan tâm rất khó khăn trong xuất khẩu.

“Ở một số lĩnh vực như may mặc chúng ta đang cảm nhận nỗi đau khi chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề lao động, môi trường”-ông Khanh nói.

Hơn nữa, Úc là một trong các thị trường lớn, DN Việt phải nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí đặt ra.

“Có thể cà phê, hạt điều, gạo của chúng ta tốt nhưng bao bì chưa tốt hay quy trình sản xuất DN chưa quan tâm đến vấn đề lao động, môi trường…cần thay đổi”-ông Khanh chia sẻ.

7 tháng năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam-Úc đạt 8,1 tỉ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về đầu tư, lũy kế đến tháng 8 năm nay, Úc là đối tác đầu tư lớn thứ 16 của Việt Nam với vốn đầu tư 6,02 tỉ USD. Việt Nam hiện đầu tư vào Úc khoảng 550 triệu USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm