Tính đến ngày 2-1, người biểu tình Iraq đã tạm ngưng gây sức ép lên Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ ở Iraq, sau khi những lãnh đạo dân quân và chính quyền yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình đang có dấu hiệu chuyển biến thành bạo động suốt hai ngày qua.
Vụ vây hãm ĐSQ bắt nguồn từ việc người biểu tình phản đối các đợt không kích của Mỹ làm chết 25 tay súng cuối tuần trước. Người biểu tình ở Iraq xông vào khu vực tòa nhà ĐSQ Mỹ ở Baghdad đập phá hôm 31-12-2019. Trong khi Mỹ tố Iran đứng sau cuộc biểu tình bạo lực, Tehran thẳng thừng bác bỏ. Vụ việc tiếp tục khoét sâu căng thẳng giữa Iraq và Mỹ khi an ninh Iraq bị cho là đã không nỗ lực dẹp cuộc biểu tình.
Mỹ, Iran bên miệng hố chiến tranh
Hiện Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lệnh tạm dừng các hoạt động lãnh sự tại Baghdad cho tới khi có chỉ thị mới, đồng thời khuyến cáo công dân tránh xa khu vực ĐSQ Mỹ tại Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hoãn chuyến công du tới Ukraine, Belarus, Kazakhstan và CH Cyprus để theo dõi tình hình Iraq. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Abdel Mahdi, ông Pompeo đã lưu ý nghĩa vụ của chính phủ Iraq là phải cảnh báo nguy cơ các vụ tấn công mới.
Còn tại Tehran, Bộ Ngoại giao Iran hôm 1-1 đã triệu đại biện lâm thời Thụy Sĩ để phản đối các hành vi mà nước này cho là hiếu chiến của Mỹ.
Những diễn biến xấu bên ngoài ĐSQ Mỹ tại Iraq có nhiều điểm tương tự cuộc khủng hoảng con tin tại ĐSQ Mỹ ở Iran hồi năm 1979 và vụ tấn công nhằm vào phái bộ Mỹ ở TP Benghazi, Libya năm 2012. Tại Baghdad, các quan chức thân Iraq đang thúc đẩy một bản kiến nghị tại Quốc hội nhằm phản đối thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ và Iraq cho phép Mỹ triển khai 5.200 binh sĩ trên lãnh thổ Iraq.
Có thể nói cuộc tấn công nhằm vào ĐSQ Mỹ, cũng như cuộc không kích của Mỹ nhằm đáp trả các vụ bắn rocket nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Bắc đã làm gia tăng lo ngại Iraq sẽ trở thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ.
Đám đông người biểu tình tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq hôm 31-12-2019. Ảnh: AP
Thủ tướng Iraq Abdel Mahdi mới đây đã lên án các cuộc không kích, cho rằng chúng sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm. “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói với tôi rằng Mỹ sẽ tấn công các căn cứ của lực lượng Hezbollah và điều này sẽ diễn ra ngay sau vài giờ. Tôi đã nói với ông ấy rằng nếu xảy ra thì đây sẽ trở thành một vấn đề nguy hiểm và sẽ làm leo thang căng thẳng. Các bên nên thảo luận kỹ vấn đề trước khi hành động” - ông Mahdi cho biết.
Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc Mỹ thuộc ĐH Tehran, ông Mohammad Marandi, Iran hiện có thể “dửng dưng” trước thế áp đảo về quân sự của Mỹ do lãnh đạo nước này cho rằng kể cả khi Mỹ phát động chiến tranh xâm lược Iran, cơ hội Washington vẫn ở dưới ngưỡng an toàn.
“Cái giá cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ nhằm vào Iran sẽ rất cao và thiệt hại đến toàn khu vực Trung Đông còn cao hơn nữa. Iran sẽ không chấp nhận bị đối xử như một người phải giơ đầu chịu báng và Iran không sợ Mỹ” - hãng tin Al Jazeera dẫn lời chuyên gia Marandi cho biết.
Theo tờ The Washington Post, dù Tổng thống Donald Trump đã khẳng định không mong muốn một cuộc chiến tranh với Iran, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đã triển khai 750 binh sĩ bổ sung tới Trung Đông và rất có khả năng số binh sĩ này sẽ sớm được điều động tới Iraq.
Một điều rõ ràng là kể từ khi rút quân khỏi Iraq năm 2011 sau tám năm tham chiến, Mỹ đã mất đi phần lớn ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này. Hệ thống chính trị mà Mỹ dày công xây dựng ở Trung Đông đang ngày càng bị lung lay, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran.
Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz hôm 1-1 cũng đã lên tiếng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công ĐSQ Mỹ ở Iraq. Ông Katz cho biết Israel hoàn toàn ủng hộ Mỹ và hối thúc cộng đồng quốc tế cùng chống lại những hành động khiêu khích của Tehran. |
Vùng Vịnh - bài toán cho Washington trong năm 2020
Trong năm 2019, các vụ tấn công tàu chở dầu liên tiếp diễn ra ở vùng Vịnh mà Mỹ và các đồng minh cáo buộc Iran hậu thuẫn. Các sự kiện này như đổ thêm dầu vào lửa căng thẳng Mỹ và Iran. Tiếp sau đó là các vụ bắt giữ tàu chở dầu giữa Anh và Iran, đỉnh điểm là vụ tấn công nhà máy lọc dầu Saudi Arabia mà Mỹ và đồng minh cáo buộc là do Iran đứng đằng sau.
Những động thái leo thang liên tiếp cùng với việc Mỹ triển khai tàu sân bay và các khí tài quân sự tới Trung Đông khiến nhiều người lo ngại khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran, thậm chí nhiều nước sẽ bị kéo vào vòng xoáy không lối thoát.
Nhìn vào những diễn biến xuyên suốt năm 2019 ở vùng Vịnh có thể thấy sự thay đổi chiến lược của Mỹ. Phản ứng chậm chạp của Mỹ trước các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu khí Aramco của Saudi Arabia đã chứng minh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với vùng Vịnh: Sẵn lòng giảm đầu tư quân sự và kinh tế bảo vệ an ninh của các đồng minh. Theo Tổng thống Trump, một nước Mỹ “độc lập về năng lượng” không còn cần phải bảo vệ khu vực này nữa.
“Phần trách nhiệm đó khiến Mỹ tốn chi phí nhưng nó cũng có đem lại lợi ích cho Mỹ trong việc định hình khu vực” - nghiên cứu viên cao cấp Scott Savitz thuộc Viện Nghiên cứu Rand Corporation cho biết.
“Nếu chúng ta rửa tay gác kiếm và bỏ đi, điều gì sẽ xảy ra. Có nhiều bên đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Nga sẽ làm gì? Liệu Trung Quốc có tận dụng những cơ hội lớn và cả những rủi ro trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực hay không. Lý do Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện ở Trung Đông sau gần 40 năm một phần là do rất ít nước có tiềm lực hải quân để thực sự làm điều đó” - ông Savitz giải thích.
Ông Trump bất ngờ dịu giọng với Iran Phát biểu trong cuộc họp báo tại bang Florida hôm 1-1, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ không muốn chiến tranh với Iran. “Tôi không muốn chiến tranh xảy ra, tôi yêu hòa bình. Iran khao khát hòa bình hơn bất cứ ai. Do đó, tôi không nghĩ rằng chiến tranh sẽ xảy ra” - ông chủ Nhà Trắng khẳng định. Phát ngôn trên của ông Trump trái ngược hoàn toàn với thông điệp cứng rắn mà ông chỉ mới đưa ra vài giờ trước đó. Cụ thể, tổng thống Mỹ đe dọa Iran sẽ phải trả giá đắt và nhận toàn bộ trách nhiệm cho các công dân Mỹ thiệt mạng và tổn thất tại ĐSQ nước này. |